Bài viết được chia sẻ từ anh Vu Anh Vu – Cộng đồng FNB Việt Nam. Với kinh nghiệm từng mở rất nhiều mô hình cafe, khi được hỏi: “Anh thường khuyên mọi người không nên mở quán cafe, trong khi anh lại mở quán liên tục? Do anh sợ sự cạnh tranh hay sao?”, anh trả lời: “Thật ra bản thân mình vẫn đang cạnh tranh với chính quán mình thôi. Còn thú thực, vì hiểu quá rõ việc mở quán cafe như thế nào nên mới khuyên người khác như vậy.”
Kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm mở quán cafe
Sẽ có 4 nhóm người có thể mở quán cafe thành công đó chính là
a, Những người sản xuất được cafe:
Họ là những người trực tiếp bán sản phẩm mà mình tạo ra, cũng vì lẽ đó mà giá thành nguyên vật liệu đầu vào của họ được ưu đãi hơn những đơn vị khác. Điều này là một trong những lợi thế cạnh tranh của các thương hiệu nhượng quyền hiện tại như Milano, Napoli…
b, Những anh bạn trong giới xây dựng, thiết kế nội thất.
Nếu ở trên người ta nắm rõ về sản phẩm thì nhóm này lại là những người có khả năng hạn chế chi phí đầu vào cho thiết bị, nội ngoại thất. Về khoản này thì nếu chi phí cố định thấp, thời gian quay vòng vốn và sinh lời sẽ nhanh chóng hơn khá nhiều
c, Tiếp nhận nhượng quyền:
Nổi lên thời gian gần đây là hoạt động nhượng quyền các thương hiệu cafe tên tuổi. Câu chuyện mở quán cafe bỗng chốc đơn giản hơn vì họ có sẵn kịch bản được xây dựng từ trước. Nguyên vật liệu, nhân viên cần đào tạo những gì, cách thức vận hành, khuyến mãi đều đã được công ty mẹ điều chỉnh, áp dụng. Cái bạn cần chính là đủ nguồn lực tài chính để chấp nhận nhượng quyền, cùng với đó là lựa chọn thương hiệu nhượng quyền uy tín.
>>> Quy trình nhượng quyền The Coffee House, chi phí là bao nhiêu?
>>> Chi phí nhượng quyền cafe của 5 thương hiệu cafe hot nhất hiện nay
d, Tôi có mặt bằng đẹp.
Câu chuyện mặt bằng đẹp cũng là một lợi thế, không phải mặt bằng đi thuê mà chính là mặt bằng của mình nên việc họ tự tin đầu tư cơ sở vật chất của mình không cần bàn cãi. Chỉ có điều, nhóm này thường tiền lãi kinh doanh cũng gần ngang ngửa tiền tiền mặt bằng, một thời gian lại quyết định cho thuê lại mặt bằng vừa nhàn lại vừa có thu nhập
Chỉ có 2 nhóm: người thành công và nhóm còn lại
Chúng ta thường rơi vào đa số, điển hình của việc có vốn nhỏ, muốn thuê mặt bằng mở quán cafe, rồi tìm kiếm người thiết kế không gian nội thất, rồi lại tìm thêm nhà cung cấp nguyên vật liệu… Và viễn cảnh không xa, lợi nhuận hiện hữu mà chỉ ngang với tiền gửi ngân hàng, kém may mắn không trụ được thì chừng nửa năm rồi sang nhượng, lãi chẳng bù nổi lỗ.
Vậy những trường hợp thành công thì sao? Họ tìm được ngách thị trường, có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, giao hàng, không gian hoặc dịch vụ và họ nhắc nhớ khách hàng của mình về thương hiệu. Bài học xương máu trước đây, gom góp 200 triệu tiền vốn mở được 5 – 6 năm mà sập tiệm đến 3 lần, lúc mang nợ gần 7 tỷ, rồi vừa làm vừa trả, mà cứ đầu tư thêm là quán thêm lỗ.
Nếu nói về chuỗi cafe như hiện tại thì đó là kinh nghiệm đúc kết của quán trình vừa học vừa mở quán. Đương nhiên có quán thì thành công nhưng cũng có quán phải bù lỗ. Người ngoài nhìn vào thì thấy quản lý dễ dàng, quán đông khách, bề nổi là thế còn chi phí, công sức thời gian đầu tư, xây dựng mở quán cafe vất vả như thế nào thì có mấy ai biết. Bản thân chính ông chủ vẫn phải chuẩn bị cho mình những phương án dự phòng để có thể làm nền tảng vững chắc duy trì hoạt động kinh doanh của từng ấy con người, từng ấy khách hàng.
Tạm kết
Bởi vậy mới nói, việc mở quán cafe chỉ khi bạn xác định theo con đường này lâu dài thì còn có khả năng, còn nếu chúng ta suy nghĩ để kiếm thêm cho thu nhập của mình thì thực sự cân nhắc kỹ, hoặc từ bỏ chúng để tìm kiếm mặt hàng nào đó hơn việc mở quán cafe. Bản thân mình ngẫm thấy điều này khá đúng: “Ghét ai thì khuyên họ mở nhà hàng, quán cafe”.