4 kinh nghiệm sang nhượng quán cafe, nhà hàng “đắt giá”

Sang nhượng quán cafe, nhà hàng là một trong những cách thức nhanh nhất để bắt đầu kinh doanh F&B. So sánh với phương pháp đầu tư từ thời điểm ban đầu – nhận mặt bằng trống, sang nhượng quán cà phê có nhiều ưu điểm nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà chủ đầu tư cần phải có kinh nghiệm đánh giá trước khi “xuống tiền”.

Trong bài viết này, MISA CukCuk sẽ cung cấp những kinh nghiệm xương máu trong hoạt động sang nhượng quán cafe, nhà hàng để giúp cả người mua và người bán tìm được tiếng nói chung, mang lại giá trị lợi nhuận tối đa cho cả hai phía.

Mục lục Hiện

I. Sang nhượng quán cafe, nhà hàng là gì? 

Sang nhượng hay chuyển nhượng được định nghĩa là nhượng lại quyền sở hữu, sử dụng hoặc các loại tài sản hợp pháp cho các cá nhân hoặc đơn vị khác. Từ đó, có thể hiểu đơn giản sang nhượng quán cafe, nhà hàng là hoạt động chuyển quyền sở hữu, khai thác, kinh doanh của quán cà phê cho một người chủ sở hữu hoặc một nhà đầu tư mới.

Có hai hình thức sang nhượng chính có thể kể đến:

  • Sang nhượng mặt bằng
  • Sang nhượng cả mô hình kinh doanh (bao gồm cả thương hiệu)

Trong đó, hình thức sang nhượng mặt bằng chủ yếu diễn ra khi thương hiệu chưa đủ lớn và chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đối với hình thức sang nhượng cả mô hình kinh doanh (bao gồm cả thương hiệu), thường diễn ra khi chủ sở hữu cũ đã có một thương hiệu có tên tuổi và chủ sở hữu mới đánh giá thương hiệu này cơ hội phát triển hơn so với việc xây dựng một thương hiệu mới. 

>> Tham khảo: Cách thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho mô hình F&B

Ví dụ cụ thể nhất của trường hợp này chính là Jollibee – tập đoàn Phillippines đã chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% cổ phần của Highlands và sau khi IPO (lần đầu chào bán cổ phần ra công chúng) Jollibee đã nắm 60% cổ phần của chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất Việt Nam này. Sau khi mua lại Highlands, Jollibee không tiến hành đổi tên thương hiệu này vì đánh giá cao giá trị thương hiệu đã được David Thái – nhà sáng lập của Highlands xây dựng.  

 

Tất nhiên đại bộ phận các trường hợp diễn ra ở hình thức một “sang nhượng mặt bằng”. Vì thế trong bài viết này, MISA CukCuk sẽ chỉ tập trung chia sẻ về kinh nghiệm sang nhượng mặt bằng chứ không chia sẻ về hình thức sang nhượng mô hình kinh doanh. 

II. Những nguyên nhân khiến cho hoạt động sang nhượng quán cafe, nhà hàng diễn ra không suôn sẻ

Bản chất hoạt động sang nhượng là việc mua bán giữa người có cung và người có cầu. Vì thế để hoạt động sang nhượng quán cafe, nhà hàng diễn ra suôn sẻ, thì người mua và người bán cần phải đồng thuận được với nhau về một mức giá “thuận mua, vừa bán”.

Đối với những thương hiệu lớn như The Coffee House, trong thời điểm ban đầu khi xây dựng chuỗi, ban quản trị của thương hiệu này đã khẳng định một câu chắc nịch rằng: “The Coffee House nói không với các mặt bằng sang nhượng”. Nói vậy để thấy rằng, sang nhượng chưa bao giờ là hoạt động dễ dàng dù người mua có thể là những người có tiềm lực tài chính rất mạnh.

Trong hầu hết các trường hợp, rất khó để có thể đạt được mức giá làm hài lòng cả hai. Và việc từ chối giao dịch thường diễn ra với những nguyên nhân khác nhau.

2.1. Từ phía người bán

Không cung cấp được đầy đủ chứng từ chứng minh giá trị sang nhượng 

Người bán thường đưa ra một mức giá tốt nhất nhằm cắt lỗ, tối ưu khoản tiền thu về. Nhưng người bán có xu hướng chung là không muốn hoặc không lưu trữ thông tin, giúp người mua nhanh chóng đưa ra được quyết định của mình. Cụ thể: 

  • Không cung cấp được giấy tờ, hợp đồng mua các trang thiết bị máy móc đắt tiền
  • Không cung cấp được hợp đồng thiết kế, thi công
  • Không cung cấp được bảng kê trang thiết bị và chất lượng khấu hao cũng như so sánh với mức giá trên thị trường

Một ví dụ đơn giản, nếu chủ đầu tư hiện tại muốn bán được cả các phần trang thiết bị như cốc, chén (vẫn còn có giá trị sử dụng). Họ cần phải cung cấp số lượng và sẵn sàng để chủ đầu tư mới tra soát ngay lập tức. Ngoài ra, họ cũng có thể lập sẵn một bảng kê giá thành hiện tại của các nhà cung cấp trên thị trường để người mua dễ so sánh. 

Không cung cấp được thông tin hợp đồng thuê nhà

Hợp đồng thuê nhà hoặc thuê mặt bằng kinh doanh là một trong những điều kiện tiên quyết nhằm giúp đảm bảo an toàn cho bất kỳ nhà đầu tư nào. Việc mua bán giữa chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới chỉ là hoạt động trong một mối quan hệ ngắn hạn. Nhưng giữa chủ đầu tư mới và chủ nhà là một mối quan hệ dài hạn.

Vì thế người mua thường rất quan tâm tới các điều khoản và tính cách của chủ nhà. Người bán cung cấp thông tin càng sớm, người mua càng dễ đưa ra quyết định. 

Không cung cấp được tình hình doanh thu hiện tại nói riêng và khu vực nói chung

Đây là con số nhạy cảm mà các chủ đầu tư hiện tại thường “che giấu”. Nhưng có nhiều cách khác nhau để nói về con số này nhằm giúp người mua ra quyết định nhanh hơn. 

Ví dụ như: 

Doanh số quán này hiện tại rơi vào khoảng XXX triệu/ngày. Nhưng là do em tay ngang bước vào ngành F&B nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Thời gian đầu khách rất đông nhưng em bận cho dự án khác nên không chú tâm mà duy trì được.”

Một số quán có doanh số cao trong khu vực là các quán A, quán B, quán C… Doanh số một ngày rơi vào khoảng XXX triệu/ngày. Các anh/chị cứ khảo sát thử. Khu vực này gần các toà nhà văn phòng X/Y/Z, các trường trung học phổ thông, trường Đại học v.v… nên tiềm năng doanh số rất cao.” 

Khi chủ quán hiện tại có thể cung cấp được các con số này một cách chi tiết, rành mạch sẽ mang tính thuyết phục hơn, giúp thúc đẩy nhanh hơn hoạt động chuyển nhượng. 

2.2. Về phía người mua

Chậm trễ trong việc đánh giá mặt bằng kinh doanh

Số đông bên mua là những người chưa có kinh nghiệm trong mảng phát triển mặt bằng. Kể cả người mua có sở hữu các mô hình F&B thành công trước đó thì việc đánh giá tiềm năng của mặt bằng cũng cần phải có thời gian hoặc các hệ số chấm điểm cụ thể.

Tham khảo ngay Công cụ chấm điểm mặt bằng MIỄN PHÍ của MISA CukCuk

Chỉ có một số ít những công ty F&B lớn mới có phòng ban và hệ số chấm điểm mặt bằng giúp ra quyết định nhanh chóng và chính xác.

Vì thế đối với một mặt bằng sang nhượng có giá hời phần lớn người mua đều sẽ chậm trễ trong việc ra quyết định và để mất đi cơ hội của mình.  

Chậm trễ trong việc đánh giá khấu hao tài sản

Mọi thông tin sang nhượng mặt bằng đều nêu ra mức giá mà chủ mô hình hiện tại dự định sẽ bán. Trong phần lớn trường hợp, đây là mức giá được định tính theo “mong ước” của người bán.

Đối với những người mua “non kinh nghiệm”, họ thường không đánh giá được mức đề xuất của chủ mô hình hiện tại có hợp lý hay không. Từ đó dẫn đến việc chậm trễ ngã giá hoặc đưa ra quyết định. 

Chậm trễ trong hoạt động rà soát hợp đồng thuê nhà giữa bên bán và chủ nhà cho thuê

Đây là một trong những bước cần phải thực hiện đầu tiên ngay sau khi gặp gỡ người bán. Trong quá trình triển khai thực tế,

có rất nhiều trường hợp phát sinh sau khi người mua đặt cọc sang nhượng, xảy ra giữa người mua và chủ nhà cho thuê.

Ví dụ như người mua và chủ nhà cho thuê không thống nhất được giá thuê nhà và điều khoản thanh toán (3 tháng, 4 tháng/lần), sổ đỏ hiện tại đã được thế chấp hoặc chính chủ sổ đỏ không thể trực tiếp ký hợp đồng.

Nhằm tránh làm mất thời gian cho cả hai phía, việc rà soát hợp đồng thuê nhà giữa bên bán và chủ nhà cho thuê là vô cùng cần thiết trước khi bên bán tiến hành đặt cọc cho bên mua. 

Đọc thêm: Phần mềm quản lý bán hàng quán cafe miễn phí

III. Quy trình mẫu triển khai sang nhượng quán cafe, nhà hàng

Đối với các doanh nghiệp F&B lớn, đội ngũ phát triển mặt bằng (phụ trách nhiệm vụ mở điểm kinh doanh) thường có KPI số lượng điểm mở. Trong quá trình làm việc, họ thường xuyên gặp các mặt bằng được chào sang nhượng. Vì thế việc xây dựng một quy trình mẫu là điều bắt buộc nếu muốn triển khai nhanh chóng và chính xác.

Dưới đây là một trong những quy trình mẫu được đội ngũ phát triển mặt bằng áp dụng khi thực hiện đàm phán ký hợp đồng sang nhượng quán cà phê, nhà hàng.

  • Bước 1: Xây dựng khung tiêu chí mặt bằng
  • Bước 2: Xây dựng & duy trì quan hệ với đội ngũ môi giới mặt bằng
  • Bước 3: Lựa chọn mặt bằng sang nhượng phù hợp với khung tiêu chí
  • Bước 4: Gặp gỡ chủ mô hình kinh doanh hiện tại
  • Bước 5: Tra cứu thông tin hợp đồng thuê nhà hiện tại
  • Bước 6: Đánh giá chất lượng khấu hao mặt bằng
  • Bước 7: Đánh giá tiềm năng mặt bằng
  • Bước 8: Đàm phán chi phí sang nhượng
  • Bước 9: Hoàn tất hợp đồng sang nhượng

3.1. Xây dựng khung tiêu chí mặt bằng 

Khung tiêu chí mặt bằng được hiểu là các tiêu chí được liệt kê từ trước khi tìm kiếm mặt bằng. Khung tiêu chí mặt bằng có thể đi từ đơn giản đến phức tạp tuỳ theo nhu cầu của người tìm kiếm mặt bằng.

Một khung tiêu chí mặt bằng cơ bản nhất, thường bao gồm:

  • Chi phí thuê nhà: Được quy định bằng số tiền thuê nhà trong một tháng
  • Diện tích sử dụng: Là diện tích mặt bằng theo tầng và tổng diện tích mặt bằng sử dụng (ví dụ 180m2 mặt sàn nhân 2 tầng là 360m2)
  • Cách thức thanh toán: Là hình thức thanh toán cho chủ nhà (sở hữu sổ đỏ hoặc được uỷ quyền cho thuê bất động sản) bao gồm số tiền đặt cọc và số tiền thanh toán trong một kỳ.
  • Khu vực ưu tiên: Là các khu vực mong muốn mở điểm bán, cần tập trung tìm kiếm

Khung tiêu chí mặt bằng sẽ được sử dụng để gửi cho đội ngũ môi giới và lọc ra các mặt bằng phù hợp nhằm tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

3.2. Xây dựng và duy trì quan hệ với đội ngũ môi giới mặt bằng 

Việc xây dựng & duy trì mối quan hệ với đội ngũ môi giới sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm mặt bằng. Cách thức triển khai vô cùng đơn giản.

Chủ đầu tư sử dụng khung tiêu chí mặt bằng của mình, tìm kiếm các mặt bằng phù hợp trên các phương tiện Internet. Sau đó kết nối với người môi giới và gửi khung tiêu chí mặt bằng cho người môi giới. Khi có các mặt bằng phù hợp, người môi giới sẽ chủ động liên hệ và chào hàng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng cần phải đặc biệt quan tâm tới việc duy trì mối quan hệ với đội ngũ môi giới mặt bằng bởi: người môi giới cũng là một người làm kinh doanh. Họ sẽ dựa trên thể hiện của người mua để xác định thái độ và mức độ chăm sóc phù hợp.

Do đó, việc duy trì mối quan hệ với đội ngũ môi giới mặt bằng là rất cần thiết để mỗi khi có mặt bằng phù hợp, chủ đầu tư luôn là người có cơ hội được tiếp cận thông tin sớm nhất. 

3.3. Lựa chọn mặt bằng sang nhượng phù hợp với khung tiêu chí

Khi chủ đầu tư đã xây dựng được mối quan hệ với một đội ngũ môi giới mặt bằng, thông tin mặt bằng sẽ được gửi về liên tục. Việc tiếp theo chính là lựa chọn ra các mặt bằng tiềm năng và phù hợp nhất để tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

Bên cạnh khung tiêu chí mặt bằng, chủ đầu tư có thể yêu cầu đội ngũ môi giới gửi ảnh hoặc video hiện trạng mặt bằng trước khi thu xếp thời gian ghé qua khảo sát. Trong giai đoạn đầu làm việc, đội ngũ môi giới thường không thích gửi hình ảnh hoặc video hiện trạng mặt bằng cho chủ đầu tư bởi họ lo sợ chủ đầu tư sẽ tự tìm đến mặt bằng để trao đổi với chủ nhà cho thuê mà không qua trung gian môi giới.

Vì thế như đã chia sẻ ở bước 2, việc xây dựng mối quan hệ với đội ngũ môi giới là vô cùng cần thiết để tạo dựng sự tin tưởng và tiết kiệm thời gian cho cả hai phía: chủ đầu tư và bên môi giới. 

3.4. Gặp gỡ chủ mô hình kinh doanh hiện tại  

Ba bước đầu tiên trong quy trình là các bước chung cho việc phát triển điểm bán mới, có thể áp dụng cho việc tìm mặt bằng mới hoặc tìm mặt bằng sang nhượng. Bắt đầu từ bước thứ tư, quy trình này sẽ áp dụng cho riêng các mặt bằng sang nhượng.

Sai lầm chung của nhiều người đi tìm mặt bằng là âm thầm tìm kiếm thêm thông tin về mặt bằng sang nhượng trước khi gặp mặt chủ mô hình kinh doanh hiện tại. Việc này khiến cho chủ mô hình kinh doanh hiện tại không biết đến mối quan tâm này và ưu tiên gặp gỡ, trao đổi, đàm phán với những người khác đã có kết nối với mình.

Vì thế khi đã lựa chọn được mặt bằng ưng ý, người có dự định mua nên sắp xếp đặt lịch hẹn gặp với người bán càng sớm càng tốt. Cuộc trao đổi này sẽ chỉ làm rõ nhu cầu của cả hai phía chứ không cần thiết phải ký tá hay đặt cọc bất kỳ chi phí nào. Sau cuộc gặp gỡ này, chủ mô hình kinh doanh hiện tại sẽ lưu giữ liên hệ của người có dự định mua và thông báo tiến độ đàm phán giữa chủ mô hình hiện tại với những người quan tâm khác. Việc này sẽ giúp người mua có thể ra quyết định nhanh hơn.

Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư hiện tại còn có thể cung cấp thêm các mặt bằng kinh doanh khác của mình đang muốn sang nhượng. Giúp người mua có thêm nhiều sự lựa chọn. 

3.5. Tra cứu thông tin hợp đồng thuê nhà hiện tại 

Một sai lầm khác khi sang nhượng mặt bằng từ phía người có dự định mua là không tra cứu thông tin về hợp đồng thuê nhà hiện tại. Từ hợp đồng được ký giữa người bán và chủ nhà cho thuê, người mua có thể rút ra được nhiều kết luận về:

  • Tính pháp lý của người ký hợp đồng cho thuê (ví dụ: người ký có phải là chủ sở hữu trên sổ đỏ không, nếu không phải thì có giấy uỷ quyền sử dụng bất động sản của chủ sở hữu)
  • Tính pháp lý của của hợp đồng cho thuê (ví dụ: nhà cho thuê và nhà trên giấy tờ có phải là cùng một địa chỉ số nhà, cùng một diện tích trên sổ đỏ không? Nhà cho thuê có thuộc diện tranh chấp hay không? v.v…)

Từ các thông tin trên, người có dự định mua ngay lập tức rút ra kết luận xem có nên tiếp tục đeo đuổi việc đàm phán sang nhượng quán cafe hay nhà hàng này nữa hay không. Kể cả trường hợp giá đàm phán rất hợp lý nhưng mặt bằng có diễn ra tranh chấp hay đang được sử dụng cho hoạt động vay thế chấp ngân hàng thì đều không nên đầu tư vào.

3.6. Đánh giá chất lượng khấu hao mặt bằng 

Sau khi đã nắm được mong muốn của chủ mô hình kinh doanh hiện tại bao gồm giá sang nhượng và lý do vì sao chủ mô hình kinh doanh định giá như thế. Quy trình tiếp theo cần triển khai ngay chính là đánh giá chất lượng khấu hao của trang thiết bị, máy móc và phần thô còn lại của quán cafe hay nhà hàng.

Mức giá đàm phán hợp lý của chủ mô hình kinh doanh nên được tính bằng công thức: 

Chi phí sang nhượng = Khấu hao còn lại của chi phí máy móc + khấu hao còn lại của đầu tư phần thô + phần tiền thuê nhà còn lại chưa sử dụng tới + chi phí cơ hội bị mất đi vì lý do sang nhượng.

 

* Trong đó khấu hao còn lại của chi phí máy móc được tính bằng công thức:

Tổng chi phí máy móc – khấu hao máy móc theo tháng * số tháng đã sử dụng.

Ví dụ: Tổng chi phí máy móc, trang thiết bị là 300.000.000 VNĐ, khấu hao trong 24 tháng và đã sử dụng 12 tháng, như vậy chi phí máy móc sang nhượng là 150.000.000 VNĐ.

Tuy nhiên, căn cứ theo hiện trạng thực tế của trang thiết bị máy móc, người mua có thể đề xuất thay đổi (thường là giảm xuống) chi phí này. Bởi vì rất có thể trong quá trình sử dụng, máy móc đã bị hư hại do lỗi bảo quản của chủ đầu tư cũ và có giá trị trên thị trường không được bằng giá khấu hao còn lại. 

Tương tự như vậy, ta áp dụng để tính ra khấu hao còn lại của phần thô. Ví dụ: Tổng chi phí xây dựng là 300.000.000 VNĐ. Xác định hoà vốn trong 3 năm, đã sử dụng 12 tháng, như vậy chi phí đầu tư thô còn lại là 200.000.000 VNĐ.

Với phần tiền thuê nhà còn lại chưa sử dụng, giả sử trong giai đoạn thanh toán gần nhất đã thanh toán 06 tháng và mới sử dụng hết 02 tháng, giá thuê nhà 01 tháng là 10.000.000 VNĐ. Như vậy chi phí phần thuê nhà còn lại chưa sử dụng tới là 40.000.000 VNĐ.

Khoản chi phí cuối cùng chính là chi phí cơ hội bị mất đi vì lý do sang nhượng. Giả sử, chủ mô hình cũ chứng minh được vẫn đang tạo ra lợi nhuận. Chi phí cơ hội sẽ được tính bằng 01 đến 02 năm lợi nhuận được tạo ra.

Ví dụ: Mỗi tháng mô hình cũ tạo ra 50 triệu lợi nhuận thì chi phí cơ hội trong 01 năm sẽ là 600.000.000 VNĐ. Tuy nhiên trường hợp này ít khi xảy ra vì nếu một mô hình vẫn sản sinh ra lợi nhuận thì chủ mô hình sẽ không có nhu cầu sang nhượng hoặc chỉ chấp nhận sang nhượng với giá cao. 

 

Như vậy sau khi đánh giá xong chất lượng khấu hao mặt bằng, đầu ra của sản phẩm là một bảng thống kê chi phí chất lượng khấu hao sau đánh giá và tổng chi phí đầu ra. 

Ví dụ: Trong ảnh là bảng tính chất lượng khấu hao mẫu giả định toàn bộ thời gian khấu hao là 24 tháng và sang nhượng sau 12 tháng sử dụng, hợp đồng cho thuê nhà 30.000.000 VNĐ tháng và còn 04 tháng sử dụng.

bảng tính chất lượng khấu hao mặt bằng sang nhượng

 

 

Sau khi hoàn thành bảng thống kê chi phí chất lượng khấu hao mẫu, về cơ bản người dự định mua đã có đủ cơ sở để trao đổi về giá cả sang nhượng với người bán. Tuy vậy trước khi chính thức đàm phán, người mua vẫn nên hoàn thành thêm một bước: “Đánh giá tiềm năng mặt bằng”  để có thêm thông tin trước khi ra quyết định theo đuổi.

3.7. Đánh giá tiềm năng mặt bằng 

Tại bước đánh giá tiềm năng mặt bằng, phía người mua nên lựa chọn một đến hai nhân sự của mình đánh giá tiềm năng của mặt bằng bao gồm: doanh số thực tế trong thời gian khảo sát của mặt bằng đang sang nhượng (nếu mặt bằng này vẫn đang kinh doanh) và doanh số ước đoán của các mặt bằng đang kinh doanh hiệu quả trong khu vực lân cận. 

Việc đánh giá tiềm năng mặt bằng đang sang nhượng có thể giúp người mua kiểm chứng:

  • Tính chính xác của số liệu doanh thu hiện tại mà người bán đã cung cấp
  • Những vấn đề có thể dẫn đến lý do người bán ra quyết định sang nhượng

Bên cạnh đó, người mua có thể khảo sát thêm tiềm năng của khu vực thông qua việc khảo sát mặt bằng đối thủ:

  • Những ưu điểm giúp cho các mặt bằng khác trong khu vực đang kinh doanh hiệu quả
  • Doanh số trung bình của khu vực
  • Mức sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng trong khu vực

Để có thể đánh giá tiềm năng mặt bằng tốt nhất, người có dự định mua nên chuẩn bị sẵn các biểu mẫu đánh giá và yêu cầu nhân sự của mình hoàn thành đầy đủ thông tin các biểu mẫu này để tránh thiếu sót thông tin.

Triển khai khảo sát càng sâu, càng chi tiết sẽ giúp người có dự định mua nắm được tiềm năng của mặt bằng và khu vực. Từ đó nhanh chóng đưa ra quyết định. 

3.8. Đàm phán chi phí sang nhượng 

Sau khi đã hoàn thành các bước trên và xác định rằng việc mua lại quán cafe, nhà hàng này có thể tạo ra giá trị lợi nhuận. Lúc này, người có dự định mua nên bắt đầu đàm phán về chi phí sang nhượng.

Với các cơ sở thông tin có được từ các bước tra cứu thông tin hợp đồng, chất lượng khấu hao và tiềm năng của mặt bằng. Người có dự định mua đủ cơ sở để đưa ra con số đàm phán phù hợp và các luận điểm để chứng minh con số mình đưa ra là hợp tình, hợp lý.

Khi hai bên thống nhất về chi phí sang nhượng, người mua sẽ tiến hành đặt cọc. Không có một quy định nào cho khoản đặt cọc này, có thể từ 5% đến 10% tổng giá trị của khoản sang nhượng. 

3.9. Hoàn tất hợp đồng sang nhượng 

Trong thoả thuận đặt cọc, người mua cần phải ràng buộc các điều khoản để người bán có trách nhiệm hỗ trợ người mua cho đến khi hoàn tất quá trình sang nhượng. Cụ thể như:

  • Bên bán phải có trách nhiệm hỗ trợ bên mua hoàn thành việc ký hợp đồng thuê nhà với chủ nhà.
  • Bên bán có trách nhiệm bàn giao tất cả các giấy tờ mua bán trang thiết bị máy móc trong điều kiện còn bảo hành
  • Bên bán có trách nhiệm dọn dẹp trang thiết bị còn lại của mình ra khỏi mô hình kinh doanh đã sang nhượng.

 

Sau khi bên bán hoàn thành các trách nhiệm trên, bên mua có trách nhiệm thanh toán 100% khoản chi phí sang nhượng. Ngược lại trong trường hợp bên bán không thể hỗ trợ hoàn thành các trách nhiệm trên, bên bán phải hoàn trả cho bên mua 100% phí sang nhượng.

IV. Chủ quán cafe, nhà hàng cần làm gì để sang nhượng quán cafe, nhà hàng với giá cao? 

Trong các phần trên của bài viết, chúng ta đã đi qua những nguyên nhân dẫn đến việc sang nhượng quán cafe, nhà hàng không được diễn ra nhanh chóng và quy trình mẫu để người mua có thể triển khai nhanh hơn.

Trong phần cuối cùng của bài viết, chúng ta sẽ đứng về phía những người bán để đưa ra những lời khuyên giúp “cắt lỗ” với giá tốt hơn. Thu về lợi ích tối đa cho hoạt động sang nhượng của mình.

Dưới đây là những lời khuyên dành cho chủ quán cafe, nhà hàng để có thể sang nhượng quán cafe, nhà hàng với giá cao hơn:

4.1. Phân bố chi phí đầu tư ban đầu vào các hạng mục có khấu hao dài hạn

Sai lầm của nhiều chủ đầu tư là luôn tập trung vào các hạng mục tiểu tiết như đầu tư nhiều hạng mục trang trí phục vụ nhưng lại không phân bổ ngân sách vào các hạng mục “giữ giá” trên thị trường. Ví dụ:

Một bộ tranh canvas theo chủ đề, các đồ trang trí nhỏ xinh bày biện khắp quán có thể tốn kém không ít tiền đầu tư ban đầu. Nhưng đến lúc sang nhượng lại không được giá. Thậm chí bên mua còn yêu cầu dọn đi để họ thay thế các đồ trang trí khác phù hợp với không gian nhiều hơn. 

Tương tự như vậy với bàn ghế, không nên lựa chọn các loại bàn ghế quá đắt tiền, hay các bộ salon màu sắc tuy đẹp nhưng tốn không gian, diện tích và khó vận hành. Hãy nhìn vào cách lựa chọn bàn ghế của các thương hiệu lớn như The Coffee House, Starbucks, họ tập trung vào độ cứng cáp của chất liệu thay vì loại bàn ghế kiểu cách, nhìn có vẻ “sang chảnh”.

Thay vào đó, các chi phí nên được dành tỉ trọng đầu tư nhiều hơn nên là: chi phí đầu tư phần thô, chi phí đầu tư & mua sắm trang thiết bị máy móc. Như đã giải thích ở mục 3.6, phần thô & trang thiết bị máy móc là những chi phí có khấu hao dài nhất. Thậm chí với máy móc, ngay cả sau khi đã hết khấu hao, chủ nhà hàng, quán cafe vẫn có thể bán được.

Đừng bỏ lỡ:

4.2. Lưu trữ hợp đồng, hóa đơn, giấy tờ bảo hành và bảng kê doanh số, chi phí

Việc lưu trữ hợp đồng, hoá đơn, thẻ bảo hành sẽ giúp đỡ chủ đầu tư đang có nhu cầu sang nhượng rất nhiều trong hoạt động đàm phán. Ví dụ một chiếc máy pha cà phê giá trị cao mất thẻ bảo hành, mất hợp đồng sẽ khó có thể bán được giá cao dù cho vẫn còn thời hạn bảo hành. 

Tương tự như vậy hợp đồng thiết kế, thi công, bản vẽ kỹ thuật nếu được lưu trữ cũng là một cơ sở để đàm phán giá cả sang nhượng. Các hợp đồng thiết kế, thi công sẽ thể hiện giá trị đầu tư ban đầu của chủ đầu tư vào phần thô cũng như giá trị khấu hao còn lại. Ngoài ra bản vẽ kỹ thuật cũng là một tài liệu vô cùng quan trọng giúp đơn vị thi công mới vào sửa chữa dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí cho người mua ở các bước sau.

Cuối cùng, bảng kê doanh số, chi phí thể hiện rõ nhất bức tranh tổng quan về tình hình kinh doanh của mô hình F&B. Từ đó, chủ nhà hàng, quán cafe hiện tại có thể lựa chọn những số liệu phù hợp để đưa ra nhằm thuyết phục người có dự định mua rằng đầu tư vào mô hình này là một quyết định sáng suốt. 

4.3. Dồn ngân sách Marketing để thu hút doanh số tăng cao trong giai đoạn khai trương

Việc này sẽ giúp chủ quán hiện tại chứng minh được địa điểm kinh doanh này có khả năng mang về lợi nhuận và việc kinh doanh hiện tại không sinh lời là do cách thức triển khai chưa hợp lý mà thôi.

Có rất nhiều cách để kéo doanh số tăng cao trong 1 giai đoạn nhất định như các chương trình chiết khấu sâu: Đi 2 tặng 3, giảm giá 50%, freeship, tặng bánh v.v…

4.4. Dồn ngân sách Marketing để thu hút doanh số tăng cao trước khi sang nhượng 

Khi chủ nhà hàng, quán cafe hiện tại đã có ý định sang nhượng, tâm lý chán nản trong quá trình quản lý là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy để có thể đứng ở vị trí đàm phán cao hơn khi sang nhượng, chủ nhà hàng nên nghĩ tới một số hoạt động thu hút doanh số trong giai đoạn này.

Thời gian lý tưởng để tăng trưởng doanh số trước khi sang nhượng là từ 03 tháng trước thời điểm sang nhượng. Việc tăng trưởng doanh số sẽ mang lại các chỉ số về doanh thu tốt hơn. Số lượng khách hàng đông hơn tại thời điểm người mua khảo sát.

Để tránh ảnh hưởng đến giá thành nguyên vật liệu, chủ nhà hàng, quán cafe sang nhượng có thể nghĩ đến các hình thức quảng cáo khác không liên quan đến giá COGs như: thuê quảng cáo từ Food Reviewer (những người nổi tiếng chuyên trải nghiệm và chia sẻ thông tin về các mô hình F&B), quảng cáo trên Facebook. 

Các hoạt động thuê Food Reviews không nên được hoạch toán trong khoản chi của quán cà phê, nhà hàng để người mua tự xác định rằng doanh số tăng cao hoàn toàn đến từ thế mạnh tự nhiên của mặt bằng.

Hoặc một cách dễ dàng hơn nhưng không được khuyến khích chính là, chủ mô hình hiện tại tự động nhập bill ảo lên hệ thống để có doanh số ảo trên báo cáo mà phần mềm cung cấp. Tuy nhiên đây là hình thức lừa dối và nếu bị phát hiện người bán rất dễ mất đi niềm tin nơi những người có dự định mua. Để thực hiện được cách này chủ nhà hàng, quán cafe cần sử dụng các phần mềm quản lý nhà hàng, quán cafe giúp ghi nhận doanh số thông qua việc đếm bill, in bill. 

V. Tạm kết

Để hoạt động sang nhượng quán cà phê, nhà hàng diễn ra nhanh chóng, cần yêu cầu kinh nghiệm cả từ phía người mua lẫn người bán. Ai có nhiều kinh nghiệm sang nhượng hơn, sẽ dễ dàng thu được nhiều lợi ích hơn và tiết kiệm thời gian hơn trong hoạt động này.

Đối với chủ đầu tư có mong muốn sang nhượng, cần phải lưu trữ giấy tờ, hồ sơ về hoạt động vận hành nhằm tìm ra các lợi điểm khi đàm phán. Còn đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm mua lại các mô hình sang nhượng. Cần phải xây dựng và áp dụng quy trình triển khai sang nhượng quán cafe, nhà hàng phù hợp nhằm tiết kiệm thời gian thu thập thông tin và ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn.

Chúc các chủ đầu tư mô hình F&B kinh doanh hiệu quả, thành công. 

đăng ký nhận tin

Bài viết liên quan
Xem tất cả