Nuôi thú cưng không chỉ là xu hướng mà là thói quen, sở thích của phần đông giới trẻ hiện nay. Nhiều người rất quan tâm đến thú cưng của mình, gửi chúng đến spa thú cưng để được chăm sóc (tắm rửa, cắt lông, làm móng). Nắm bắt được xu thế đó, kinh doanh spa thú cưng là một ngành hot. Nếu bạn đang có ý tưởng mở spa thú cưng nhưng chưa biết chi phí mở spa thú cưng hết bao nhiêu tiền thì đừng bỏ qua bài viết sau nhé.
I. Đặc điểm spa thú cưng là gì? Các loại hình dịch vụ spa thú cưng
Spa thú cưng chính là những nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc – làm đẹp cho thú cưng (chó, mèo, sóc chuột,…nhưng nhiều nhất vẫn là chó và mèo). Ở trong những cửa hàng này, sẽ phục vụ chủ yếu các hoạt động như: cắt, tỉa lông, móng tay móng chân, tắm rửa, làm sạch thú cưng, trông thú cưng cho chủ,…
Một số spa còn thêm các dịch vụ khác như là: dịch vụ khách sạn cho thú cưng, tư vấn dinh dưỡng, cứu hộ thú cưng và cả dịch vụ trông giữ thú cưng những ngày lễ, tết…
Dịch vụ spa chăm sóc thú cưng được nhiều người sử dụng vì sự tiện dụng cũng như dễ dàng, giúp những người chủ chăm sóc thú cưng của mình. Đa số spa không chỉ có dịch vụ chăm sóc pet mà còn bán đồ ăn, đồ chơi, phụ kiện liên quan đến thú cưng.
II. Chi phí mở spa thú cưng hết bao nhiêu?
Trước khi mở spa thú cưng nói riêng và mở một dịch vụ bất kì nói chung, thì đòi hỏi bạn phải có kế hoạch lập ra sẵn. Số vốn đầu tư ban đầu, mà bạn đầu tư cho việc kinh doanh spa thú cưng không hề đơn giản. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động khác nhau.
Một số chi phí cố định như vị trí mặt tiền của cửa hàng, diện tích và quy mô của spa, kế hoạch mô hình kinh doanh của cửa hàng (chỉ chuyên về chăm sóc hay còn có thêm cả bán đồ cho thú cưng nữa), các mặt hàng phụ kiện chăm sóc thú cưng (cụ thể từng con vật khác nhau), xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng.
Tham khảo check list những khoản chi phí đầu tư nếu mở spa thú cưng dưới đây:
2.1. Các loại chi phí cố định
Chi phí cố định là chi phí bắt buộc và không thể thiếu được khi mở quán spa. Chi phí cố định bao gồm những khoản phí cho:
- Tiền thuê mặt bằng cho cửa hàng:
Trước khi thuê mặt bằng, bạn cần xác định mô hình kinh doanh của spa mình, từ việc xác định đối tượng mục tiêu spa hướng tới. Tiền thuê mặt bằng sẽ dựa vào chủ yếu là vị trí cũng như khu vực mà bạn thuê.
Nếu bạn thuê mặt bằng phục vụ cho mô hình kinh doanh lớn, phục vụ nhiều dịch vụ, ở những nơi có địa hình đẹp, thì số tiền sẽ dao động từ 5 – 15 triệu/tháng.
Còn bạn phục vụ dịch vụ mô hình nhỏ, ít dịch vụ, ở những khu vực khác trong hẻm nhỏ, thì số tiền mà bạn cần phải bỏ ra sẽ khoảng 1 – 5 triệu đồng.
Khi thuê mặt bằng bạn cũng nên chú ý để thuê những khu vực có mức tiêu thụ lớn và nhu cầu cao. Ví dụ như: khu vực đông dân cư, gần các bệnh viện thú y, gần các trường học,… Ngoài ra để thuận tiện cho khách hàng, cũng như việc làm ăn của cửa hàng, thì bạn nên chọn những nơi có địa hình giao thông thuận lợi, dễ đi lại và dễ tìm.
- Tiền nhập hàng, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị spa thú cưng: Để bắt đầu kinh doanh thì bạn bắt buộc phải có những cơ sở vật chất cơ bản như sau:
– Dụng cụ để chăm sóc cho thú cưng: kéo để cắt tỉa lông, chậu, lược, máy sấy lông, chuồng chuyên dụng,…Đây là những thứ trọng yếu của cửa hàng, nên cần được đầu tư nhiều.
Spa thú cưng của bạn nếu quy mô nhỏ; chỉ phục vụ ít dịch vụ chủ yếu chỉ cắt tỉa lông, tắm gội cho thú, thì dụng cụ để chăm sóc chi phí sẽ ít. Chi phí để sắm dụng cụ chăm sóc thú cưng dành cho mô hình này sẽ khoảng 6 – 10 triệu.
Nhưng nếu bạn chọn quy mô kinh doanh lớn; phục vụ nhiều loại hình dịch vụ không chỉ thông thường, còn có massage, chăm sóc, còn trông giữ thú cưng thì chi phí bỏ ra lớn. Chi phí chi cho loại hình mô hình này sẽ khoảng 10 – 50 triệu.
– Các loại thức ăn cho thú cưng gồm các loại hạt, thức ăn khô, thức ăn đóng hộp, pate,… những loại thức ăn này đòi hỏi phải có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.
Số vốn phải bỏ ra sẽ khoảng từ 2 – 3 triệu đồng cho mô hình nhỏ chỉ chứa được ít mặt hàng. Còn mô hình lớn hơn sẽ có sức chứa được nhiều mặt hàng hơn thì số vốn sẽ khoảng 5 – 7 triệu.
– Những phụ kiện đi kèm khi nuôi thú cưng: Bồn tắm lớn nhỏ, dây xích, dây choàng cổ, đồ chơi cho chó mèo,…
Khi mới đầu tư thì chúng tôi khuyên bạn nên bắt đầu từ những sản phẩm có mẫu mã bình dân, màu sắc bắt mắt với mức giá trung bình trước rồi mới đầu tư sau này tiếp. Với những loại phụ kiện thì mức giá sẽ từ 1-2 triệu đồng.
- Chi phí trang trí cho cửa hàng:
Một cửa hàng với thiết kế độc đáo, đẹp mắt và đa dạng sẽ thu hút khách hàng hơn những nơi khác. Với những spa thú cưng thì bạn có thể không cần quá đầu tư vào mặt trang trí, nhưng phải đảm bảo được yếu tố cần đủ và thật sự chỉn chu.
Khi trang trí nên lựa chọn những gam màu sáng tươi vui và có cùng chủ đề, để tạo được sự hài hòa, cũng như xây dựng nên một sự thích thú cho những chú thú cưng. Tiền trang trí sẽ rơi vào khoảng từ 5 – 15 triệu đồng.
2.2. Các loại chi phí không cố định
Chi phí không cố định là những chi phí có thể thay đổi theo thời gian và những loại chi phí phát sinh ra hàng tháng, hàng ngày:
- Tiền điện nước của cửa hàng: Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của quán spa, mà mỗi tháng sẽ có chi tiêu khác nhau.
- Tiền thuê nhân viên: Tùy theo nhu cầu từng thời điểm, mà số lượng nhân viên sẽ có sự thay đổi sao cho thật phù hợp. Với những spa có quy mô nhỏ thì nhân viên sẽ ít chỉ 1 – 3 người. Và chủ yếu sẽ là chủ cửa hàng và người nhà làm. Chi phí trả công cho 2 nhân viên ngoài chỉ rơi vào khoảng 1,5 – 2 triệu. Như những spa quy mô lớn, nhiều dịch vụ sẽ cần nhiều nhân viên và đòi hỏi tay nghề, trung bình có khoảng 3 – 7 nhân viên. Những nhân viên có tay nghề sẽ có mức lương 5 – 6 triệu/người/tháng, còn những nhân viên tay nghề thấp hoặc học việc sẽ có mức lương 3 – 4 triệu/người/tháng. Ngoài ra các spa quy mô lớn có thể tuyển nhân viên part-time mức lương 1,5 – 2 triệu/người/tháng.
- Các loại tiền phát sinh khác: Cần có một khoản chi phí dự trù cho những chi phí phát sinh. Bởi không có một quán kinh doanh nào có thể kinh doanh mượt mà không phát sinh chi phí gì. Một số chi phí phát sinh như: tiền sửa chữa, hỏng đồ dùng,…
Như vậy, với những spa pet quy mô nhỏ và mới bắt đầu kinh doanh thì chi phí mở spa thú cưng sẽ cần khoảng 100 triệu. Còn đối với những spa lớn, chi phí toàn bộ vốn bạn phải bỏ ra khá nhiều 200 – 300 triệu. Để đảm bảo spa vận hành ổn định bạn cần biết cách quản lý, để có dòng tiền xoay vòng tránh tình trạng lãi giả lỗ thật.
III. Những tips mở spa thú cưng tiết kiệm
Nếu bạn không có quá nhiều chi phí khi bắt đầu mở spa thú cưng tham khảo ngay tips mở spa thú cưng tiết kiệm dưới đây:
- Một số trang thiết bị, đồ trang trí spa hoặc thiết bị bán hàng bạn có thể mua đồ thanh lý để tiết kiệm chi phí đầu tư
- Spa trong thời gian đầu vừa kinh doanh vừa tiếp thị nên có thể chưa cần thuê nhiều nhân viên. Nếu spa thú cưng theo hình thức hộ gia đình nên tận dụng nhân lực trong gia đình để giảm bớt gánh nặng chi phí thuê nhân viên
- Nên tận dụng mặt bằng và quan tâm đến yếu tố phù hợp, hơn là xu hướng phát triển của thời đại. Trong trường hợp nhà bạn ở vị trí đông dân cư, giao thông thuận tiện thì có thể tận dụng, cải tạo xây dựng 1 spa – salon thú cưng.
IV. Tạm kết
Trên đây là những khoản chi phí dự tính mở spa thú cưng, pet shop. Tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và quy mô kinh doanh, bạn có thể lập được bảng dự toán ngân sách cho riêng mình. Đừng quên, một trong yếu tố quan trọng để kinh doanh pet shop thành công là quản lý khoa học.
Đăng ký nhận tin từ MISA CukCuk để không bỏ lỡ những kiến thức kinh doanh, tin thị trường ngành F&B bổ ích!