KFC là một trong những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, ghi dấu ấn với các chiến lược marketing sáng tạo và hiệu quả. Thương hiệu này đã nhận được sự yêu thích của khách hàng trên toàn thế giới. Vậy điều gì làm nên sức hút trong chiến lược marketing của KFC? Cùng MISA CukCuk khám phá những bí mật đằng sau thành công của “ông lớn” ngành F&B này qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan thương hiệu KFC
KFC (viết tắt của Kentucky Fried Chicken) – Gà Rán Kentucky, là thương hiệu nổi tiếng toàn cầu thuộc Tập đoàn Yum Brands Inc (Hoa Kỳ). Được biết đến như một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh chuyên về gà rán và nướng, KFC còn nổi bật với các món ăn kèm và bánh sandwiches từ thịt gà tươi. Thương hiệu ghi dấu ấn với công thức chế biến gà rán Original Recipe, được tạo nên từ sự pha trộn bí mật của 11 loại thảo mộc và gia vị do Đại tá Harland Sanders hoàn thiện.
Hiện nay, KFC đã mở rộng phạm vi hoạt động tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 20.000 nhà hàng. Các sản phẩm của KFC không chỉ bao gồm gà rán truyền thống, mà còn có gà nướng, cánh gà cay, bánh kẹp và các loại món tráng miệng đa dạng.
Đối thủ cạnh tranh của KFC trong ngành thức ăn nhanh toàn cầu bao gồm McDonald’s, Burger King, Popeyes… cùng với nhiều chuỗi thức ăn nhanh địa phương. Tại Việt Nam, KFC đối mặt với sự cạnh tranh từ các thương hiệu như Lotteria, Jollibee, và các thương hiệu gà rán nội địa.
KFC bước chân vào thị trường Việt Nam năm 1997 với cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Nhờ vào chiến lược marketing mạnh mẽ, KFC đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động đến hơn 36 tỉnh/thành phố, với hơn 153 nhà hàng và tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Cùng xem lại những cột mốc đáng nhớ của KFC tại thị trường Việt Nam:
- Tháng 12/1997: Mở cửa hàng KFC đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu sự hiện diện của thương hiệu tại Việt Nam
- Tháng 12/1998: Tiếp tục mở rộng với cửa hàng tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận
- Tháng 6/2006: Mở cửa hàng tại Thủ đô Hà Nội, chính thức gia nhập thị trường miền Bắc
- Tháng 5/2008: Tiến vào miền Trung với cửa hàng đầu tiên tại TP. Huế, phát triển thị trường mới
- Năm 2011: Mở rộng hàng loạt cửa hàng mới tại Nha Trang, Long Xuyên, Quy Nhơn, Hải Dương…
- Năm 2013: Khai trương tại TP. Hạ Long, tiếp cận các thị trường tiềm năng
- Hiện nay: KFC đã có mặt tại hơn 36 tỉnh/thành phố trên toàn quốc với hơn 153 nhà hàng
2. Phân tích mô hình SWOT của KFC
Mô hình SWOT là công cụ để doanh nghiệp nhìn nhận rõ ràng về Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức). Nó giúp doanh nghiệp hiểu rõ mình đang làm tốt điều gì, cần cải thiện gì, cơ hội nào có thể tận dụng, và rủi ro nào cần phòng tránh để phát triển tốt hơn.
Đối với KFC, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thương hiệu này có thể được phân tích như sau:
Điểm mạnh (Strengths)
- Thương hiệu toàn cầu: KFC là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới, được nhận diện rộng rãi và có lịch sử lâu đời.
- Công thức độc quyền: Công thức gà rán Original Recipe nổi tiếng với sự kết hợp bí mật của 11 loại thảo mộc và gia vị, mang đến hương vị đặc trưng khó sao chép.
- Hệ thống phân phối rộng khắp: KFC có hơn 20.000 cửa hàng tại hơn 109 quốc gia, đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ và dễ tiếp cận.
- Quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả: KFC có hệ thống chuỗi cung ứng và quản lý logistics chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng và nguồn cung nguyên liệu ổn định.
Điểm yếu (Weaknesses)
- Chất lượng dinh dưỡng: KFC đã nhận phản hồi tiêu cực vì thực đơn có hàm lượng calo và chất béo cao, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
- Nguồn nhân lực chưa ổn định: Tại Việt Nam, phần lớn nhân viên tại cửa hàng KFC là đối tượng sinh viên hoặc người làm part-time, do đó thời gian gắn bó thường ngắn, cần tuyển dụng liên tục, tốn nhiều thời gian & chi phí.
- Chất lượng không đồng đều: Chất lượng đồ ăn có thể không đồng nhất giữa các chi nhánh, gây thất vọng cho khách hàng.
Cơ hội (Opportunities)
- Mở rộng thị trường tại các quốc gia đang phát triển: Các nước ở châu Á và châu Phi vẫn còn nhiều tiềm năng để mở thêm cửa hàng và tăng doanh thu.
- Xu hướng ăn uống lành mạnh: Đưa ra các sản phẩm ít calo, không chứa chất bảo quản và các món chay sẽ giúp KFC tiếp cận nhóm khách hàng mới.
- Ứng dụng công nghệ: Tận dụng các nền tảng giao hàng trực tuyến và phát triển ứng dụng đặt hàng riêng có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng dịch vụ.
Thách thức (Threats)
- Cạnh tranh gay gắt: KFC phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các chuỗi thức ăn nhanh khác như McDonald’s, Burger King cũng như các thương hiệu nội địa tại từng quốc gia.
- Biến động giá nguyên liệu: Sự thay đổi giá thịt gà và các nguyên liệu khác có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và biên lợi nhuận.
- Xu hướng ăn uống lành mạnh: Dù là cơ hội nhưng đây cũng chính là thách thức lớn của KFC khi sự gia tăng nhận thức về sức khỏe có thể làm giảm nhu cầu đối với món ăn nhanh chiên rán.
>> Tham khảo: Chiến lược kinh doanh của cà phê Trung Nguyên chi tiết nhất
3. Chiến lược marketing của KFC – Marketing Mix 7P
3.1. Chiến lược sản phẩm – Product
Chiến lược sản phẩm của KFC được xây dựng xoay quanh việc duy trì và phát triển danh mục sản phẩm phong phú, kết hợp với khả năng thích ứng với từng thị trường địa phương. KFC nổi tiếng với gà rán Original Recipe – sản phẩm cốt lõi đã làm nên tên tuổi của thương hiệu với công thức bí mật từ 11 loại thảo mộc và gia vị. Tuy nhiên, để duy trì sự hấp dẫn và mở rộng thị trường, KFC không chỉ dựa vào sản phẩm này mà liên tục đổi mới.
Ở Mỹ, quê hương của KFC, sản phẩm chính vẫn là gà rán truyền thống kết hợp với các món mới như cánh gà, gà không xương, bánh sandwich để phục vụ đa dạng nhu cầu. Trong khi đó, ở châu Á, KFC linh hoạt điều chỉnh thực đơn để phù hợp với khẩu vị địa phương.
Ví dụ, tại Trung Quốc, thực đơn có cả cơm gà và súp theo phong cách địa phương. Tại Ấn Độ, nơi nhiều người theo chế độ ăn chay, KFC đã giới thiệu các sản phẩm không thịt như burger paneer và cơm rau củ, cho thấy sự thấu hiểu văn hóa và tôn giáo.
Tại Việt Nam, KFC không chỉ phục vụ gà rán mà còn giới thiệu các món ăn kèm như cơm gà và salad bắp cải để đáp ứng khẩu vị người Việt. Sự đa dạng này đã giúp KFC mở rộng thị trường nhanh chóng, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ với hơn 153 cửa hàng trải dài khắp mảnh đất hình chữ S.
Các yếu tố chính trong chiến lược sản phẩm của KFC
- Sáng tạo liên tục: KFC luôn cải tiến và giới thiệu các sản phẩm mới như gà vị tỏi mật ong, gà cay, và các món ăn theo mùa.
- Địa phương hóa sản phẩm: KFC điều chỉnh các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của từng khu vực. Theo báo cáo tại châu Á, thị phần của KFC chiếm tỷ lệ cao nhất nhờ việc tinh chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với thói quen ăn uống địa phương.
- An toàn thực phẩm: Cam kết chất lượng và nguồn nguyên liệu tươi là nền tảng giúp KFC giữ được lòng tin của khách hàng.
Để hỗ trợ bạn xây dựng chiến lược marketing hiệu quả, MISA CukCuk gửi tặng Template 10+ mẫu kế hoạch Marketing chi tiết, giúp bạn lập kế hoạch và triển khai các chiến dịch thành công. NHẤN VÀO ẢNH ĐỂ TẢI!
3.2. Chiến lược về giá – Price
KFC đã triển khai nhiều chiến lược định giá đa dạng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng. Việc kết hợp chiến lược giá theo gói và giá tùy chọn đã giúp KFC tạo sự linh hoạt, tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm và khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn. Cụ thể:
Giá theo gói (Combo Pricing)
KFC tạo các gói combo bao gồm các sản phẩm như gà rán, khoai tây chiên và đồ uống với giá ưu đãi hơn so với mua riêng lẻ từng món. Điều này thu hút khách hàng tìm kiếm sự tiện lợi và giá trị tốt, từ đó tăng giá trị đơn hàng trung bình.
Tùy chỉnh combo
KFC cho phép khách hàng tự điều chỉnh các combo để phù hợp với sở thích cá nhân. Điều này giúp khách hàng có trải nghiệm mua sắm linh hoạt hơn và cảm thấy được phục vụ theo nhu cầu cá nhân.
Định giá tùy chọn (Optional Pricing)
Khách hàng có thể mua các món chính như gà rán và thêm các món phụ như đồ uống hoặc tráng miệng tùy theo nhu cầu. Điều này khuyến khích việc tăng chi tiêu mà không làm giảm sự hài lòng, bởi khách hàng thấy mình có quyền tự chọn những gì muốn mua.
Tạo sự so sánh giá
Chiến lược này giúp khách hàng nhận thấy sự khác biệt về giá khi chọn mua lẻ hoặc combo, từ đó thúc đẩy quyết định mua combo để có mức giá tốt hơn.
3.3. Chiến lược phân phối – Place
KFC sử dụng chiến lược phân phối rộng rãi nhằm đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ trên toàn cầu và thuận tiện tiếp cận cho khách hàng. Chiến lược này bao gồm việc thiết lập hệ thống cửa hàng vật lý rộng khắp, ứng dụng công nghệ để mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, và hợp tác với các nền tảng giao hàng để tăng khả năng tiếp cận. Cụ thể:
- Hệ thống cửa hàng vật lý: KFC sở hữu mạng lưới cửa hàng trên hơn 100 quốc gia với hơn 20.000 chi nhánh. Các cửa hàng này thường nằm tại các địa điểm trung tâm, dễ tiếp cận như trung tâm thương mại, khu phố sầm uất và gần các khu dân cư, giúp thu hút lượng lớn khách hàng.
- Mô hình nhượng quyền thương mại: Một phần quan trọng trong chiến lược phân phối của KFC là mô hình nhượng quyền. Điều này cho phép thương hiệu mở rộng nhanh chóng, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư địa phương tham gia vào quá trình phát triển thương hiệu.
- Giao hàng tận nơi và đối tác trực tuyến: KFC đã tích cực hợp tác với các ứng dụng giao hàng như GrabFood, ShopeeFood… để phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến đang tăng cao.
- Ứng dụng công nghệ: KFC không ngừng cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua ứng dụng đặt hàng trực tuyến và các nền tảng kỹ thuật số riêng, giúp khách hàng dễ dàng chọn món và thanh toán từ xa.
>> Xem thêm: Nhượng quyền KFC – Chi phí và những điều kiện cần biết
3.4. Chiến lược xúc tiến – Promotion
Chiến lược xúc tiến của KFC là sự kết hợp hài hòa giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại. KFC bắt đầu với các chiến dịch quảng cáo truyền thống qua truyền hình, báo in, và biển quảng cáo.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, KFC đã nhanh chóng mở rộng chiến lược xúc tiến qua các kênh số hóa như Facebook, Instagram, và TikTok. Các chiến dịch video ngắn, thử thách trực tuyến và quảng cáo sáng tạo đã giúp KFC tiếp cận được thế hệ trẻ, tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.
Slogan “finger lickin’ good” là một trong những chiến dịch quảng bá thành công nhất, làm nổi bật hình ảnh KFC trên toàn cầu từ năm 1956. Hình ảnh Đại tá Sanders cũng được tận dụng trong nhiều quảng cáo để nhấn mạnh nguồn gốc và sự cam kết chất lượng của thương hiệu. Hay Chiến dịch “11 Herbs & Spices” trên Twitter là một ví dụ nổi bật về cách KFC tận dụng sự sáng tạo và hài hước để tạo sự chú ý, khi thương hiệu này chỉ theo dõi 11 tài khoản để ám chỉ công thức bí mật của mình.
Bên cạnh đó, KFC thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi như giảm giá combo, ưu đãi “Mua 1 tặng 1”… Đặc biệt, các chương trình này thường được tung ra vào dịp lễ hội hoặc sự kiện lớn để thu hút tối đa lượng khách.
Ngoài ra, KFC cũng tạo dựng hình ảnh tích cực qua các chiến dịch CSR (Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp). Các chương trình thiện nguyện như hỗ trợ cộng đồng địa phương, cung cấp bữa ăn miễn phí cho những người gặp khó khăn hay tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường giúp thương hiệu ghi điểm trong mắt công chúng.
3.5. Chiến lược về con người – People
Nhân sự là tài sản quý báu nhất của mỗi doanh nghiệp. KFC hiểu rằng đội ngũ nhân viên và sự tương tác của họ với khách hàng chính là cầu nối trực tiếp để tạo nên trải nghiệm tích cực. Do đó, chiến lược về con người của KFC được xây dựng xoay quanh đào tạo, phát triển nhân sự, chính sách phúc lợi và sự linh hoạt trong tiếp cận văn hóa địa phương.
Các chương trình đào tạo của KFC bao gồm việc học cách xử lý đơn hàng, kỹ năng giao tiếp với khách hàng, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Việc này đảm bảo rằng mọi nhân viên, dù ở bất kỳ quốc gia nào, đều mang đến trải nghiệm đồng nhất, giúp khách hàng cảm nhận sự chuyên nghiệp của thương hiệu.
KFC không chỉ chú trọng tới nhân viên mà còn xem khách hàng là trung tâm trong chiến lược về con người. Nhân viên được khuyến khích thu thập và lắng nghe phản hồi của khách hàng, giúp KFC liên tục cải thiện sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường.
3.6. Chiến lược về quy trình – Process
Chiến lược về quy trình của KFC đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững chất lượng và tính nhất quán trên toàn bộ hệ thống.
Chuẩn hóa quy trình chế biến
KFC nổi tiếng với công thức gà rán và điều này đòi hỏi mỗi chi nhánh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chế biến từ lựa chọn nguyên liệu, ướp gia vị, đến thời gian và nhiệt độ chiên. Việc chuẩn hóa còn đảm bảo hiệu suất làm việc trong bếp được tối ưu, giúp rút ngắn thời gian chế biến mà vẫn duy trì chất lượng cao.
Tối ưu quy trình phục vụ
KFC đầu tư mạnh vào hệ thống POS (Point of Sale) hiện đại, cho phép nhân viên xử lý đơn hàng một cách nhanh chóng và chính xác. Hệ thống này không chỉ giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng mà còn làm tăng hiệu suất làm việc. Kết hợp với công nghệ, các đơn hàng qua ứng dụng di động hoặc các nền tảng giao hàng được tích hợp vào quy trình, từ đó đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh chóng và hiệu quả.
Đào tạo nhân viên và giám sát chất lượng
Nhân viên KFC thường xuyên được đào tạo để nắm vững các quy trình chuẩn và cải thiện kỹ năng phục vụ. Quá trình này bao gồm các buổi huấn luyện định kỳ và kiểm tra thực tế để đảm bảo nhân viên tuân thủ đúng tiêu chuẩn. Bằng cách này, KFC không chỉ nâng cao kỹ năng đội ngũ mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ luôn đạt mức cao nhất.
3.7. Chiến lược về cơ sở vật chất – Physical Evidence
Chiến lược về cơ sở vật chất của KFC là một trong những yếu tố giúp thương hiệu này tạo dấu ấn và khẳng định vị thế của mình trong ngành F&B. Cụ thể:
Thiết kế cửa hàng
KFC đầu tư vào việc thiết kế cửa hàng nhằm mang lại cảm giác thoải mái và thu hút khách hàng. Các cửa hàng thường có không gian rộng rãi, trang trí hiện đại với màu sắc đặc trưng như đỏ và trắng, giúp khách hàng nhận diện thương hiệu từ cái nhìn đầu tiên.
Bao bì sản phẩm
Bao bì của KFC có logo dễ nhận diện và thiết kế mang màu sắc đặc trưng, làm nổi bật sản phẩm và để lại ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng. Những chiến dịch sáng tạo liên quan đến bao bì cũng được KFC triển khai, ví dụ như việc sử dụng hộp đựng thân thiện với môi trường để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Đồng phục nhân viên
Đồng phục của nhân viên tại KFC được thiết kế gọn gàng, thoải mái và mang tính nhận diện cao. Điều này không chỉ giúp khách hàng dễ dàng phân biệt nhân viên mà còn tạo cảm giác chuyên nghiệp, sạch sẽ. Các chương trình huấn luyện kỹ năng phục vụ và giao tiếp cũng giúp nhân viên truyền tải hình ảnh thân thiện và chuyên nghiệp của thương hiệu.
4. Một số chiến dịch quảng cáo của KFC nổi bật
KFC đã có nhiều chiến dịch quảng cáo nổi bật ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng và tạo tiếng vang trên toàn cầu. Dưới đây là hai chiến dịch tiêu biểu:
Slogan “Finger Lickin’ Good” huyền thoại
Chiến dịch quảng bá với slogan “Finger Lickin’ Good” là một trong những chiến dịch nổi tiếng và kéo dài nhất của KFC. Ra mắt từ năm 1956, khẩu hiệu này nhấn mạnh vào chất lượng và hương vị độc đáo của món gà rán, khiến khách hàng cảm nhận món ăn ngon đến mức phải liếm sạch ngón tay.
Khẩu hiệu này đã trở thành biểu tượng của thương hiệu KFC, mang đến sự liên tưởng tức thì về món gà rán thơm ngon đặc trưng. Chiến dịch không chỉ thành công trong việc quảng bá mà còn góp phần khắc sâu hình ảnh KFC trong tâm trí khách hàng qua nhiều thế hệ.
Chiến dịch “Believe in Chicken” độc đáo
Chiến dịch quảng cáo “Believe in Chicken” của KFC, do agency Mother thực hiện tại London, ra mắt trong trận khai mạc giải vô địch bóng đá UEFA Euro 2024 giữa Đức và Scotland. Đây là một chiến lược quảng bá độc đáo, tập trung vào việc tái khẳng định niềm tin vào chất lượng và vị thế của thương hiệu.
Lấy bối cảnh về sự bất ổn toàn cầu và truyền tải thông điệp đơn giản “Hãy tin vào thịt gà,” chiến dịch này tạo hiệu ứng mạnh mẽ qua TVC, quảng cáo ngoài trời (OOH) và các hình thức quảng bá sáng tạo. Những hoạt động như sử dụng hình ảnh gà khổng lồ tại sân bay và thông điệp táo bạo đã thu hút sự chú ý và khơi gợi sự tò mò của khách hàng.ng.
Chiến dịch “FCK” – Sự khéo léo trong xử lý khủng hoảng
Một trong những chiến dịch nổi bật thể hiện sự sáng tạo và khả năng xử lý khủng hoảng của KFC là chiến dịch “FCK” tại Anh vào năm 2018. Khi KFC đối mặt với sự cố gián đoạn chuỗi cung ứng khiến nhiều nhà hàng phải đóng cửa vì thiếu gà, thay vì im lặng, họ đã dũng cảm đối mặt với vấn đề một cách hài hước và chân thành.
KFC phát hành một quảng cáo in trên các báo, trong đó họ đổi thứ tự các chữ cái trong tên “KFC” thành “FCK” trên hình ảnh hộp gà rỗng. Đi kèm là lời xin lỗi và giải thích vấn đề một cách khéo léo, thừa nhận sai lầm và cam kết khắc phục. Chiến dịch này đã nhận được sự đánh giá cao từ công chúng và giới truyền thông vì cách tiếp cận thành thật và sáng tạo trong việc xử lý khủng hoảng.
5. Tạm kết
Trên đây, MISA CukCuk đã chia sẻ chi tiết về chiến lược marketing của KFC. Hy vọng rằng bài viết này giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về cách KFC xây dựng thương hiệu và duy trì sức hút toàn cầu. Những phân tích này cũng có thể mang lại ý tưởng và bài học hữu ích cho các doanh nghiệp F&B khi triển khai chiến lược marketing.
Nếu bạn cần hỗ trợ trong quá trình vận hành cửa hàng, MISA CukCuk luôn sẵn sàng đồng hành – Phần mềm cung cấp giải pháp quản lý F&B chuyên nghiệp, tối ưu quy trình từ gọi món, thanh toán đến quản lý chi phí nguyên vật liệu, tồn kho chính xác, báo cáo doanh thu tự động mọi lúc mọi nơi!