Nếu thương hiệu là một con người, thì Phê La là ai? Và Phê La bán gì ngoài trà đậm vị?
Phê La bán gì? Trà sữa Ô long đậm vị? Cụ thể quá!
Vậy thì bán cảm xúc? Rộng quá…
Theo mình thì Phê La bán cảm xúc “chill” của Đà Lạt – thứ mà ai cũng thích, ai cũng thèm và ai cũng nhớ…
Bài viết này là vài điều hay ho về cách xây dựng thương hiệu của Phê La – một trong những chuỗi F&B thành công bậc nhất ở thời điểm hiện tại – Phê La.
1. Thương hiệu tốt phải dựa trên sản phẩm chất lượng
Sản phẩm chất lượng ở đây nếu chỉ nói về nguồn gốc xuất xứ không thôi thì chưa đủ, mà còn phải là cả sự nâng cấp về mặt câu chuyện, về di sản và những tiềm năng chưa được khai thác.
Phê La không bán trà sữa thông thường mà họ chọn dòng trà đặc sản từ Đà Lạt. Sản phẩm qua tay Phê La được nâng tầm từ một sản phẩm địa phương thành thức uống cao cấp và độc đáo. Việc chọn sản phẩm gốc Đà Lạt ngay từ ban đầu, một cách rất tập trung, là một trong những điểm khác biệt về sản phẩm của Phê La so với đối thủ. Mà xây dựng thương hiệu thì bạn biết rồi đó, không có khác biệt thì khó xây vô cùng. Xem thêm menu Phê La có gì?
2. Xây dựng thương hiệu như một con người
Nếu thương hiệu là một con người thì mình cảm nhận Phê La là một người bạn, kiểu hơi hướng nội, trầm tính nhưng “chill chill” và đáng yêu kiểu Đà Lạt. Một người bạn không phải đến để tán chuyện rôm rả mà đơn giản có khi chỉ là yên bình ngồi cạnh nhau và ngắm mây trời.
Và để làm nổi bật được “người bạn Đà Lạt” mang tên Phê La đó thì toàn bộ không gian, câu chuyện, sản phẩm, bao bì, concept quán đều phải có hơi hướng Đà Lạt…
Về bao bì rồi thiết kế không gian quán thì nhiều người nói rồi, nhưng có một thứ có thể ít người để ý, đó là nhạc Phê La chọn – kiểu indie rất có gu. Mọi thứ được đồng bộ rất nhất quán với cá tính của Phê La.
3. Tiên phong về concept giúp thương hiệu chiếm giữ vị thế “Top of mind”
Để chiếm giữ vị thế “Top of mind” một cách hiệu quả nhất trong mảng F&B, thì tốt hơn hết, là hãy tiên phong trong một concept mà chưa ai khai thác và làm cho tới. Dĩ nhiên kẻ tiên phong luôn có khả năng hứng chịu rủi ro, nhưng thành công sẽ là thành công lớn.
Phê La là thương hiệu tiên phong trong concept cắm trại với ghế bạt ngồi thoải mái và không gian gợi nhớ về trải nghiệm nghỉ ngơi sau những chuyến đi phượt – cũng là một trải nghiệm nổi bật của giới trẻ ngày nay.
Sau này, có một số thương hiệu khác cũng làm concept cắm trại với ghế bạt nhưng Phê La kịp dấn thêm một bước nữa với những điểm bán thực sự lớn, không gian trải nghiệm vượt trội và duy trì vững chắc vị trí “Top of mind” trong concept mà mình đã tiên phong.
4. Bán “cảm xúc Đà Lạt”
Quán trà sữa bán trà sữa chỉ là “level 1”. “Level” cao hơn của việc bán sản phẩm F&B sẽ luôn là bán trải nghiệm, bán cảm giác, bán cảm xúc… Và bán những thứ đó mới được giá.
Xét về quy mô thì Phê La không bằng Phúc Long. Thậm chí về trà đậm vị, Phúc Long mới là cái tên tiên phong. Tuy nhiên, Phê La đã khai thác một tệp khách hàng trẻ, có gu, thích phượt, thích cắm trại. Phê La bán một sản phẩm đặc sản của Đà Lạt và lồng vào đó một cảm xúc “rất Đà Lạt” – thứ mà ai cũng thích, ai cũng thèm, và ai cũng ít nhiều nhung nhớ về vùng đất cao nguyên đó.
Cuối cùng thì, điểm khác biệt giữa một cốc trà sữa 30K ở quán bình thường và mức giá gấp đôi ở Phê La là gì?
Đó chính là sự tìm lại cảm giác thư thái, bình yên như khi dạo bước ở Đà Lạt. Phân tích được không khó, triển khai được thì thực sự là “cao thủ võ lâm”.
Trend trà đậm vị lên ngôi, khởi nguồn từ Phúc Long, đẩy lên cao trà là Phê La và giờ là hàng loạt các thương hiệu khai thác theo các hướng khác nhau như La Boong, NooShan, Ô long đây, Oola… Nhưng vị thế của Phê La vẫn rất khác biệt. Vì người bạn đến từ Đà Lạt mang tên Phê La quá xứng đáng!
Chủ tịch F&B Investment