Lịch sử của ngành kinh doanh nhà hàng được hình thành và phát triển từ rất lâu, cho đến những năm thế kỷ 18 bắt đầu xuất hiện thuật ngữ “nhà hàng” lần đầu tiên tại Pháp. Các nhà hàng dần xuất hiện và tồn tại dưới nhiều hình thức, quy mô, phong cách cũng như nền ẩm thực khác nhau. Từ những người bán hàng rong ở thời cổ đại đến những thương hiệu chuỗi nhà hàng hiện đại đều có câu chuyện của riêng mình, và tất nhiên, trong đó bao gồm cả những sự thật thú vị mà không phải ai cũng biết.
Có thể bạn quan tâm:
>> “Có thực mới vực được” khách hàng: Gucci, Ralph Lauren ra mắt nhà hàng, tiệm cafe thu hút khách hàng trẻ
>> Michelin Guide chính thức tới Việt Nam và công bố những điểm đến đầu tiên
Ngành kinh doanh nhà hàng đã có từ thời cổ đại
Khái niệm bán thức ăn để kiếm lời đã sớm xuất hiện từ thời kỳ cổ đại, điển hình tại các khu vực như La Mã cổ đại và Trung Quốc, mọi người bắt đầu bán hàng rong với bánh mì và rượu cho những người dân trong thành phố. Trải qua một khoảng thời gian phát triển văn hóa cho đến thời Trung cổ, quán trọ bên đường là hình thức xuất hiện sớm nhất của mô hình kinh doanh nhà hàng dùng tại chỗ như hiện tại. Hiển nhiên rằng tất cả món ăn trong menu đều là quyết định của đầu bếp, và khách đến ăn hoàn toàn không có lựa chọn nào khác ngoài việc dùng bữa theo phong cách gia đình (dine family style).
Cách mạng Pháp phát minh ra ẩm thực cao cấp
Sau sự kiện vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette bị chém đầu trong cuộc cách mạng tư sản Pháp đã dẫn đến sự sụp đổ của tầng lớp quý tộc Pháp. Những người đầu bếp từng làm việc cho các gia đình quý tộc cũng theo đó rơi vào cảnh thất nghiệp. Mọi người bắt đầu tìm cho mình công việc mới, trong đó có một số người đã quyết định tự xây dựng cơ sở kinh doanh của riêng mình với mục tiêu cung cấp những bữa ăn cao cấp đến mọi người. Theo dần thời gian, phong cách ăn uống kiểu Pháp đã bắt đầu lan rộng sang Vương quốc Anh, Đại Tây Dương và phát triển dần tại Hoa Kỳ.
Nhà hàng lớn nhất thế giới tại Syria
Nhà hàng Bawabet Dimashq, hay còn được biết đến là Damascus Gate Restaurant, thuộc sở hữu của một gia đình tại Damascus, Syria lần đầu tiên mở cửa vào năm 2002.
Damascus Gate Restaurant được kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là nhà hàng lớn nhất thế giới với khu vực ăn uống rộng 54.000 mét vuông, chỉ riêng nhà bếp rộng 2.500 mét vuông và có đến 6.014 chỗ ngồi.
Nhà hàng lâu đời nhất nước Mỹ tại Boston
Union Oyster House lần đầu tiên mở cửa phục vụ thực khách từ năm 1826, tức là hơn một thập kỷ sau Chiến tranh Hoa Kỳ – Anh Quốc năm 1812 kết thúc và hơn ba thập kỷ trước khi Nội chiến Hoa Kỳ nổ ra. Union Oyster House là nhà hàng lâu đời nhất nước Mỹ và vẫn liên tục hoạt động kể từ ngày khai trương cho đến tận bây giờ, được ghi nhận là di tích Lịch sử Quốc gia vào ngày 27 tháng 5 năm 2003.
“Nhà hàng” là một thuật ngữ tiếng Pháp
“Nhà hàng” (Restaurant) từng được dùng để mô tả các loại nước cốt đậm đà phục vụ trong các quán rượu và nhà công (Pub) của Pháp với mục đích cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm thiểu bệnh tật. Cũng kể từ đó, “nhà hàng” dần được sử dụng phổ biến hơn và trở thành thuật ngữ chung dùng để chỉ bất kỳ cơ sở nào chế biến thức ăn và phục vụ cho khách hàng.
Nhà hàng lâu đời nhất thế giới ở Tây Ban Nha
Theo sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận, nhà hàng Sobrino de Botín tại Madrid, Tây Ban Nha, được thành lập và bắt đầu kinh doanh vào năm 1725, là nhà hàng lâu đời nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, danh hiệu này vẫn còn nhiều tranh cãi khi xuất hiện một số nhà hàng khác tuyên bố có lịch sử hoạt động lâu đời hơn Botín, bao gồm nhà hàng St. Peter Stiftskulinarium tại Salzburg, Áo được cho là đã hoạt động từ trước năm 803 sau Công nguyên, và Zum Franziskaner tại Stockholm, Thụy Điển cho biết đã có từ năm 1421.
McDonald’s cũng từng thất bại với menu của mình
Ngay cả với McDonald’s, thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới với hệ thống chuỗi gần 40.000 cửa hàng trên 119 quốc gia nhưng cũng đã từng gặp thất bại trong việc giới thiệu menu mới của mình. Vào những năm 1960, Ray Kroc – Giám đốc Điều hành của McDonald’s đã cho ra mắt món “Hula Burger” trong mùa Chay để phục vụ cho những khách hàng và khu vực có đông người theo đạo Công Giáo.
Với ý tưởng “hoàn toàn làm từ thực vật”, món bánh này chỉ bao gồm lát bánh mì hạt vừng, khoanh dứa nướng phủ thêm một lát phô mai. Thế nhưng trái với mong đợi khi ra mắt, món bánh mới này hoàn toàn không nhận được sự đón nhận từ các thực khách và nhanh chóng ngừng sản xuất, được mô tả là thất bại lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của McDonald’s.
Starbucks không có cửa hàng nhượng quyền
Tất cả các thương hiệu nhượng quyền đều là chuỗi nhà hàng, nhưng không phải tất cả các chuỗi đều là thương hiệu nhượng quyền, và trường hợp điển hình chính là Starbucks. Nếu như McDonald’s là thương hiệu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới, thì Starbucks là thương hiệu chuỗi cửa hàng lớn nhất thế giới trong ngành cà phê. Tuy nhiên, không giống như McDonald’s là một chuỗi nhượng quyền, Starbucks sở hữu chuỗi các cửa hàng trên khắp thế giới dưới sự quản lý từ hệ thống thương hiệu của mình, hoàn toàn không hề tham gia nhượng quyền với bất kỳ cửa hàng nào.
>> Starbucks là một “Ngân hàng bí mật” và khách chỉ có thể rút tiền bằng… cà phê
Hamburger đắt nhất thế giới có giá 6.000 USD
Trên thế giới này có rất nhiều loại hamburger đắt tiền, có thể kể đến như Burger Brasserie tại Las Vegas phục vụ một chiếc hamburger thịt bò trị giá 777 đô la được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu cao cấp như tôm hùm Maine, hành tây caramel, phô mai Brie nhập khẩu, prosciutto giòn và giấm balsamic 100 năm tuổi.
Tuy vậy, đây vẫn chưa phải loại hamburger đắt nhất thế giới, nhà hàng De Daltons tại Voorthuizen (Hà Lan) – đã ra mắt món burger mang tên “Golden Boy” với phần vỏ bánh phủ vàng lá, được làm từ 100% thịt bò Wagyu, trứng cá muối Beluga, nấm truffle trắng, cùng các nguyên liệu hảo hạng khác. Món ăn này có giá 5.000 Euro (tương đương 6.000 USD), xứng đáng trở thành chiếc burger đắt nhất thế giới.
Thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho ngành kinh doanh nhà hàng
Theo công ty nghiên cứu thị trường BMI cho biết, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tiềm năng kinh doanh F&B hấp dẫn nhất trên toàn cầu. Từ thống kê trong năm 2021, chỉ riêng ngành F&B đã đóng góp 15,8% vào tổng GDP quốc gia, trong đó tổng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 35%. Ngoài ra, theo báo cáo của D’Corp cũng cho thấy tại nước ta hiện nay có hơn 540.000 cơ sở bán đồ ăn, thức uống. Và tất nhiên là những con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng hơn nữa trong tương lai khi tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn.
Source: F&B Việt Nam, RobbReport Vietnam