Hợp đồng nhượng quyền nhà hàng, quán ăn, quán cafe và tất cả những điều cần lưu ý

Nhượng quyền F&B đang là một trong những hướng đi kinh doanh dù không mới nhưng vẫn được ưa chuộng bởi sự khả năng thu hồi vốn và có lộ trình vận hành đã được quy chuẩn từ trước. Với những người mới gia nhập thị trường F&B thì đây là một cơ hội tiềm năng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có một số điều mà bạn cần lưu ý. Đặc biệt ở khâu về pháp lý, những điều khoản liên quan đến hợp động, nhận diện thương hiệu. Trong bài viết dưới đây, MISA CukCuk sẽ giúp bạn tìm và hiểu đúng, đủ, chi tiết nhất về các bản hợp đồng nhượng quyền nhà hàng, quán ăn, quán cafe…

hợp đồng nhượng quyền

1. Nhượng quyền thương mại là gì? Khi thực hiện nhượng quyền thương mại nhà hàng, quán ăn, quán cafe… có cần lập hợp đồng không?

Franchise: hình thức nhượng quyền thương mại, được xem là hoạt động thương mại mà bên nhượng quyền tiến hành việc giao dịch, mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ theo các yêu cầu nhất định do bên nhượng quyền đưa ra. Khi thực hiện nhượng quyền thương mại, để đảm bảo quyền lợi trên thực tế và trước pháp luật, buộc cam kết trao đổi này cần có hợp đồng nhượng quyền.

hợp đồng nhượng quyền

Hợp đồng sẽ bao gồm các điều khoản được thỏa thuận, đồng nhất giữa 2 bên để tuân theo. Nội dung của hợp đồng là bản tóm lược về các nội dung được 2 bên chấp thuận, với bên nhượng quyền là cam kết về việc chuyển giao, hỗ trợ vận hành, với bên nhận nhượng quyền là việc cam kết đảm bảo bám sát và tuân thủ theo quy chuẩn chung của thương hiệu. Không chỉ có vậy, về mặt pháp lý, toàn bộ thông tin được ghi trong hợp đồng sẽ được liệt kê và có giá trị luật pháp, đồng nghĩa với việc bất kỳ hành động vi phạm hợp đồng nào cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bản hợp đồng nhượng quyền nhà hàng, quán ăn, quán cafe…

2.1. Đối với bên nhượng quyền

a. Quyền lợi của bên nhượng quyền

  • Bên nhượng quyền thương hiệu có quyền định giá thương hiệu của mình. Họ sẽ đưa ra giá nhượng quyền và yêu cầu bên nhận nhượng quyền chi trả các khoản phí trong hạng mục nhượng quyền.
  • Bên nhượng quyền có quyền đưa ra các quy định về chiến lược kinh doanh, kế hoạch marketing và một số quy định để có thể bám sát hoạt động nhượng quyền, tình hình vận hành của chủ đầu tư nhận nhượng quyền.
  • Bên nhượng quyền có thể triển khai các hoạt động truyền thông, marketing hỗ trợ hệ thống nhượng quyền của mình.
  • Bên nhượng quyền cũng có quyền kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất hoat động của bên nhận nhượng quyền. Điều đó đảm bảo sự thống nhất chất lượng dịch vụ trong toàn hệ thống nhượng quyền.

quy trình nhượng quyền trà sữa

b. Nghĩa vụ của bên nhượng quyền 

  • Cung cấp đầy đủ tài liệu chuyển giao cho bên nhận nhượng quyền
  • Đào tạo bài bản nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật (nếu có) cho bên nhận nhượng quyền, đảm bảo đơn vị nhận nhượng quyền thực hành, hiểu đúng các nghiệp vụ cần thiết, giúp nhà hàng nhanh chóng đi vào hoạt động.
  • Đảm bảo đơn vị nhận nhượng quyền thực hiện hoạt động thi công mặt bằng, trang bị cơ sở vật chất đúng chuẩn hệ thống theo đúng các tiêu chí chung của chuỗi
  • Đảm bảo về quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu cũng như đối xử như nhau giữa các cơ sở tiếp nhận nhượng quyền.

2.2. Đối với bên nhận nhượng quyền

a. Quyền lợi của bên nhận nhượng quyền thương hiệu

  • Được quyền yêu cầu bên nhận nhượng quyền cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, được hỗ trợ kỹ thuật có liên quan đến hộ thống nhượng quyền nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh
  • Được quyền yêu cầu bên nhượng quyền đối xử bình đẳng giữa các mô hình khác trong cùng hệ thống nhượng quyền
  • Trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng, bên nhận nhượng quyền được phép sử dụng thương hiệu để thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng tuyệt đối phải đảm bảo uy tín của thương hiệu.

Hợp đồng nhượng quyền

b. Nghĩa vụ của bên nhận nhượng quyền

  • Bên nhận nhượng quyền có nghĩa vụ phải trả phí nhượng quyền và thanh toán đầy đủ các khoản phí có liên quan có trong hợp đồng về nhượng quyền thương mại.
  • Bên nhận nhượng quyền phải tự chi trả các khoản về cơ sở vật chất bao gồm thuê mặt bằng, nội thất cửa hàng,… và cả việc thanh toàn lương cho nhân viên tại của hàng của bên nhận quyền. 
  • Bên nhận nhượng quyền phải tuân theo các hướng dẫn, yêu cầu của bên nhượng quyền như yêu cầu về thiết kế, địa điểm bán,…và cũng phải chấp nhận sự kiểm soát, giám sát từ họ.  
  • Giữ bí mật về toàn bộ những bí mật  kinh doanh, công thức của sản phẩm mang thương hiệu của bên nhượng quyền bắt đầu kể từ ngày ký hợp đồng. Bên nhận nhượng quyền có trách nhiệm bảo mật thông tin ngay cả sau khi hợp đồng về nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt.
  • Khi hợp đồng hết hiệu lực mà các bên chưa có thoả thuận về việc gia hạn hợp đồng, thì bên nhận quyền cần phải chấm dứt việc sử dụng thương hiệu, tên thương mại, khẩu hiệu, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác hoặc hệ thống của bên nhượng quyền.
  • Bên nhận quyền cần điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại. Bên này sẽ phải cùng hệ thống nhượng quyền xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh của thương hiệu dịch vụ.
  • Không được phép nhượng lại quyền kinh doanh thương hiệu cho bên thứ ba khác khi không có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhượng quyền.
  • Khi có bất kì ý tưởng, phương pháp nào nhằm mục đích cải tiến hệ thống, thì bên nhận nhượng quyền cần đề xuất với bên nhượng quyền, không được tự ý thay đổi khi chưa có sự chấp thuận. 
  • Khi nhận quyền cần tuân thủ nghiêm túc mọi sự thay đổi của hệ thống sau khi nhận được thông báo thay đổi của bên nhượng quyền.

3. Mẫu hợp đồng về nhượng quyền thương mại hiện nay được quy định như thế nào?

Đến năm 2022, pháp luật Việt Nam không có quy định về mẫu hợp đồng về nhượng quyền thương mại. Do đó, hiện nay khi thực hiện nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, thì thương nhân có thể tự soạn mẫu hợp đồng theo nội dung mà hai bên thỏa thuận. Hợp đồng về nhượng quyền thương mại sẽ có những nội dung chính gồm: thông tin của bên nhượng quyền, thông tin của bên nhận nhượng quyền, quyền và nghĩa vụ của hai bên…

Mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại bạn có thể tham khảo:

>> Tải hợp đồng nhượng quyền TẠI ĐÂY <<

4. Những lưu ý khi ký hợp đồng nhượng quyền nhà hàng, quán ăn, quán cafe 

4.1 Nghiên cứu kĩ toàn bộ hồ sơ nhượng quyền

Bên nhận quyền cần phải đọc và nghiên cứu kĩ hồ sơ nhượng quyền để nắm rõ thông tin của nhà nhượng quyền. Bạn cần phải biết được thương hiệu mình sắp nhận có tình hình kinh doanh như thế nào, thị trường của thương hiệu ra sao, tốc độ phát triển của hệ thống nhượng quyền có nhanh hay không và mức độ thành công của hệ thống nhượng quyền trong những năm qua như thế nào. 

hợp đồng nhượng quyền

Bạn cần phải nghiên cứu kĩ hồ sơ cũng như khảo sát thực tế, thì bạn mới phát hiện được những ưu điểm nổi bật của thương hiệu này so với các thương hiệu cạnh tranh khác. Từ đó bạn có cho mình những định hướng để phát triển hệ thống này trong tương lai. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đối với các thương nhân nhận quyền mới, các chính sách cho những thị trường mới… cũng là một trong những yếu tố bạn cần xem xét khi quyết định có nên ký hợp đồng hay không. 

4.2 Nghiên cứu kĩ nội dung, điều khoản trong hợp đồng về nhượng quyền

Sau khi đã thoả thuận bằng lời nói, chúng ta cần có một bản hợp đồng về nhượng quyền giấy trắng mực đen rõ ràng. Việc cả hai bên cùng đọc và nghiên cứu kĩ nội dung và các điều khoản trong hợp đồng là điều vô cùng quan trọng. Các mục cần lưu ý là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, đồng thời bên nhận quyền cần phải xem xét kĩ các nghĩa vụ mà mình cần phải thực hiện đối với bên nhượng quyền là có thoả đáng hay không. 

4.3 Xác nhận chi phí nhượng quyền

Chi phí nhượng quyền cùng các khoản phí khác có liên quan là yếu tố vô cùng quan trọng trong bản hợp đồng mà cả hai bên. Điều đặc biệt là bên nhận nhượng quyền cần lưu ý, xem xét và xác nhận lại nếu có bất kì điều gì thắc mắc. Sau khi bạn đặt bút kí vào hợp đồng, đồng nghĩa với việc bạn đồng thuận mọi chi phí ghi trên hợp đồng. Từ lúc này bên nhận quyền có nghĩa vụ phải thanh toán đầy đủ và nghiên túc cho bên nhượng quyền. 

5. Kết luận

Những lưu ý khi ký hợp đồng về nhượng quyền thương mại đã được MISA CukCuk tổng hợp trong bài viết này. Hy vọng với những chia sẻ này, bạn có thể tránh được những rủi ro tiềm ẩn về pháp lý và hợp đồng nhượng quyền  khi kinh doanh nhượng quyền thương mại.

Bài viết liên quan
Xem tất cả