Trong quá trình triển khai cho các mô hình kinh doanh F&B, CukCuk nhận được rất nhiều câu hỏi từ anh chị chủ quán như: “Muốn bán đồ ăn online thì bắt đầu từ đâu? Bán đồ ăn online cần những gì? Làm thế nào để bán đồ ăn online được nhiều đơn, đắt khách?” Với nội dung dưới đây, MISA CukCuk sẽ chia sẻ cho anh chị một cách chi tiết nhất về cách thức bán đồ ăn online hiệu quả, đặc biệt với anh chị đang muốn kinh doanh đồ ăn online bài bản từ đầu.
1. Bán đồ ăn online là gì?
Bán đồ ăn online là hoạt động kinh doanh đồ ăn diễn ra trên mạng. Khác với hình thức kinh doanh truyền thống, ở loại hình này, chủ quán có thể có mặt bằng kinh doanh hoặc không. Quá trình đặt hàng, trao đổi phần lớn được diễn ra trên Internet.
Nói một cách đơn giản hơn, khách hàng không cần trực tiếp đến quán để thưởng thức, họ có thể liên hệ với anh chị thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, website đặt hàng.
Hiện tại hình thức kinh doanh này không chỉ dừng lại ở xu hướng mà còn được chủ quán áp dụng song song với việc bán hàng trực tiếp tại mặt bằng và mở ra nhiều cơ hội gia tăng doanh thu hơn.
2. Tại sao nên bán đồ ăn online?
2.1. Xu hướng tiêu dùng của thực khách đang thay đổi
Ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng của thực khách chuyển dịch từ mua sắm tại điểm bán sang đặt hàng online. Tuy nhiên không thể phủ nhận, trước khi Covid diễn ra, việc đặt đồ ăn online đã là một thị trường vô cùng tiềm năng, khi xã hội đang dần số hóa, khách hàng tìm kiếm sự thuận tiện nhiều hơn.
2.2. Tiết kiệm chi phí (mặt bằng, nguyên vật liệu)
Việc chuyển dịch sang bán online, giúp anh chị chủ động hơn về nguyên vật liệu. Khách hàng có thể đặt trước, theo combo ngày, hội nhóm…
Đây cũng có thể xem là bài toán tiết kiệm chi phí về mặt bằng, nhân công với anh chị đang có ý định mở bán online trước, đủ nguồn lực sẽ bán tại mặt bằng sau.
Đặc biệt trong trạng thái “bình thường mới”, đẩy mạnh hoạt động giao hàng, hạn chế tập trung đông người, việc bán đồ ăn online được coi là phao cứu sinh của chủ quán.
2.3. Tiếp cận nhiều khách hàng hơn
Nếu trước đây việc kinh doanh tại mặt bằng khiến khách hàng do ở xa nên ngại ghé thăm thì hoạt động kinh doanh online hoàn toàn có thể hỗ trợ được điều này.
Hãy hình dung, nếu quán của anh chị phục vụ đồ ăn ngon, với bao bì bắt mắt, dịch vụ giao hàng chất lượng, họ sẽ giới thiệu bạn bè, người thân đặt hàng nhiều hơn. Từ đó, quán vừa có thêm nhiều khách hàng biết đến, vừa có thêm doanh thu.
3. Bán đồ ăn online phù hợp với mô hình nào?
Vậy câu hỏi đặt ra là: “Liệu có phải mô hình F&B nào cũng có thể bán online?” Mọi món ăn đều có thể thực hiện giao hàng tận nơi, đều có thể bán online.
Tuy nhiên, không phải món ăn nào giao về cũng có thể khiến khách hàng hài lòng hoặc gần hài lòng như thưởng thức tại quán. Dưới đây là lời khuyên dành cho một số mô hình tiềm năng khi kinh doanh online:
3.1. Mô hình đồ ăn nhanh
Đặc thù của mô hình này là phục vụ nhu cầu của khách hàng có xu hướng nhanh, gọn. Bởi vậy, yếu tố thời gian giao hàng cần được ưu tiên hàng đầu. Mặt khách, chủ quán cũng cần chú ý tới việc bao gói đảm bảo sự tiện lợi.
3.2. Mô hình cafe, trà sữa
Với mô hình kinh doanh thức uống như cafe, trà sữa, đồ uống có đá thường bị tan chảy trong quá trình di chuyển, thức uống nóng giao hàng sẽ nguội.
Anh chị nên lưu ý khách hàng trước, có thể tách riêng đá hay hạn chế những thức uống nóng trong thực đơn giao hàng để đảm bảo trải nghiệm của thực khách là tốt nhất.
3.3. Mô hình lẩu, nướng
Có lẽ nhiều anh chị kinh doanh lẩu nướng cũng khá băn khoăn với mô hình của mình thì việc bán đồ ăn online sẽ diễn ra như thế nào. Lời khuyên cho mô hình lẩu nướng là kinh doanh theo combo.
Anh chị có thể chia thực đơn của mình theo các combo dựa trên số lượng người ăn. Các combo được đóng gói theo từng phần còn gọi là những meal kit. Anh chị cũng có thể hướng dẫn khách hàng của mình cách thức nấu nướng chuẩn công thức để có được hương vị thơm ngon nhất.
Một số mô hình cũng triển khai thêm dịch vụ cho thuê bếp, nồi, dụng cụ lẩu nướng.
4. Bán đồ ăn online sẽ thu hút đối tượng khách hàng nào?
4.1. Đối tượng học sinh, sinh viên
Nhóm đối tượng này có đặc điểm: dễ dàng tiếp cận cái mới, xu hướng tiêu dùng theo trào lưu, quan tâm về giá. Điều này có lợi trong việc thu hút khách hàng trong thời gian đầu với những chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Tuy nhiên, anh chị cũng cần lưu ý, do đặc thù dễ thay đổi, nên việc cải tiến thực đơn hoặc tạo ra những giá trị bất ngờ sẽ giữ chân nhóm đối tượng này lâu hơn.
4.2. Đối tượng dân văn phòng
Với dân văn phòng, anh chị cần đặc biệt lưu ý về sự thuận tiện, gọn gàng trong bao gói, những yếu tố về phí giao hàng hoặc thời gian giao hàng cũng cần được quan tâm.
Đây là nhóm đối tượng vô cùng tiềm năng, nếu quán có thể gây ấn tượng tốt trong lần phục vụ đầu tiên với giá cả phải chăng, đúng giờ và chất lượng ổn định.
Đồng thời, nhóm khách hàng này cũng là nhóm đối tượng chính và các mô hình bán đồ ăn online có thể tập trung chăm sóc.
4.3. Đối tượng gia đình, nhóm
Gia đình, hội nhóm khi đặt hàng online yếu tố quan trọng nhất là đúng món, đúng số lượng. Việc kiểm soát số lượng, chất lượng đồng đều giúp cho anh chị không chỉ có thêm 1 mà là 1 nhóm khách hàng tiềm năng.
5. Khi nào quán nên bán đồ ăn online?
5.1. Chất lượng món ăn đảm bảo ngay cả khi giao hàng
Đây là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố quan trọng nhất. Như CukCuk có đề cập ở trên, món ăn nào cũng có thể giao hàng tận nơi, tuy nhiên việc đảm bảo được chất lượng như ban đầu lại là câu chuyện khách.
Hãy chắc chắn, khi món ăn được giao tận tay đến khách hàng, chúng vẫn luôn ở trạng thái tốt nhất. Trải nghiệm không tốt của một vài khách hàng cũng có thể khiến quán ăn của bạn bị tẩy chay.
Không điều gì tồi tệ hơn việc, một thực khách đang đói phải chờ đợi lâu và nhận được món ăn nguội lạnh.
5.2. Đủ nguồn lực phục vụ
Giao hàng đúng giờ, hoặc rút ngắn thời gian giao hàng nhất có thể. Một số mô hình đang áp dụng phạm vi giao hàng để đảm bảo chất lượng món ăn tốt nhất trong thời gian nhanh nhất.
Do việc bán đồ ăn online có thể giúp các khách hàng đặt món từ ở bất kỳ đâu trong khoảng cách địa lý cho phép nên chủ quán có thể cân nhắc việc kết hợp với các đơn vị giao hàng với số lượng tài xế lớn, thông thạo đường để tối ưu hoạt động vận chuyển của mình.
5.3. Bắt kịp xu hướng thị trường
Việc kinh doanh đồ ăn online tạo ra một cơ hội mới tiếp cận nhiều khách hàng hơn, mang lại doanh thu nhiều hơn. Với ngành có sự cạnh tranh khốc liệt như F&B, tìm kiếm sản phẩm thay thế hoàn toàn không khó với người tiêu dùng.
Đơn giản hơn, khi khách hàng tìm kiếm món ăn họ ưa thích, quán của anh chị không hiển thị ở mục họ tìm kiếm, hoặc họ có chủ đích tìm kiếm nhưng không thấy. Tuy nhiên kết quả hiển thị của những đối thủ cạnh tranh với thực đơn chứa món họ cần tìm.
Thêm vào đó, quán mới có hình ảnh bắt mắt, review tốt, gần khu vực làm việc, sinh sống và vậy là khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn. Quán của anh chị cũng do đó mà mất đi một vị khách.
Có thể nói, hoạt động bán đồ ăn online tồn tại song song cùng mô hình bán trực tiếp cho dù dịch bệnh có diễn ra hay không. Yếu tố tác động như bệnh dịch như một phép thử.
Anh chị cũng có thể thấy, hoạt động giãn cách, hạn chế tiếp xúc khiến không ít mô hình F&B lao đao, nhưng với những mô hình đã và đang kinh doanh online bài bản, họ đã có kênh bán hàng thay vì chỉ phụ thuộc vào mặt bằng.
5.4. Trường hợp ngoại lệ
Không ít những mô hình xác định kinh doanh online bài bản từ đầu từ đó tập trung nguồn lực, ngân sách để mở quán tại mặt bằng. Đây được cho là một trong những nước đi dành cho những anh chị muốn kinh doanh đồ ăn nhưng vốn ít.
Chỉ cần mặt bằng đủ rộng để thực hiện khâu chế biến, đóng gói, tiết kiệm chi phí đầu tư mặt bằng, nhân viên, trang thiết bị dụng cụ ban đầu. Việc định giá tốt cũng dễ dàng hơn những mô hình bán hàng trực tiếp.
Các bếp ăn online này thường phục vụ suất ăn nhanh, đại trà với thực đơn từ 10 – 15 món. Họ thường áp dụng phí giao hàng rẻ, chất lượng ổn định, giao hàng nhanh chóng.
Khi lợi nhuận đủ, họ nhân rộng mô hình, bán hàng tại mặt bằng. Khách hàng có thêm địa điểm ghé đến khi có nhu cầu.
6. Vậy bán đồ ăn online ở đâu?
Hiện nay trên thị trường có 2 kiểu kinh doanh đồ ăn online chính là: bán hàng trên các ứng dụng của bên thứ 3 hoặc nhà hàng, quán ăn tự triển khai.
6.1. Bán hàng trên app (ứng dụng) nào tốt?
Anh chị có thể tìm hiểu TOP 5 ứng dụng giao đồ ăn tốt nhất thị trường hiện nay là GrabFood, Baemin, Shopee Food (Now), GoFood, Loship.
a. Chi phí mở gian hàng
Các đơn vị này hiện tại chia thành 2 nhóm có thu phí mở gian hàng và miễn phí mở gian hàng.
Trong đó, Shopee Food (Now) đang áp dụng thu phí mở gian hàng 1 triệu áp dụng cho tất cả các cửa hàng. GrabFood cũng áp dụng tương tự nhưng với 2 tỉnh thành là Hồ Chí Minh và Hà Nội, các tỉnh thành còn lại chưa áp dụng.
Về phía Baemin, Gofood và Loship, hiện tại chủ quán vẫn đang được hỗ trợ việc đăng ký gian hàng miễn phí.
b. Mức thu phí chiết khấu đơn hàng
Dưới đây là bảng so sánh mức chiết khấu đơn hàng của các ứng dụng đặt món nói trên:
GrabFood | Shopee Food (Now) | Baemin | GoFood | Loship |
25 – 30% | 25 – 30% | 25 – 30% | 25% | 20% |
c. Cách thức đăng ký gian hàng trên các ứng dụng nói trên
Quy trình chung khi tiếp chủ quán muốn đăng ký gian hàng trên ứng dụng nói trên:
- Bước 1: Đăng ký qua website chính thức của ứng dụng
- Bước 2: Hoàn tất đăng ký, đội ngũ hỗ trợ liên hệ tư vấn và xác nhận đăng ký
- Bước 3: Hoàn thiện hồ sơ, bắt đầu kinh doanh
- Bước 4: Thiết lập thông tin cơ bản, thực đơn, giờ mở cửa
- Bước 5: Bán hàng
Tham khảo hướng dẫn mở gian hàng trên ứng dụng gọi món
- Cách đăng ký bán hàng trên Grab: Nhà hàng, quán ăn nhất định không nên bỏ qua!
- Cách nhanh nhất để đăng ký bán hàng dành cho quán ăn trên Now.vn
- Đăng ký gian hàng trên BAEMIN bằng cách nào, có dễ không?
- Cách đăng ký gian hàng trên Go-Food? Có nên không? Chiết khấu ra sao?
6.2. Tự triển khai bán hàng qua website, hotline, fanpage thì sao?
a. Bài toán lợi nhuận lâu dài
Như anh chị có thể hình dung, khi liên kết với các đơn vị giao hàng, anh chị có thể mất tới 20% giá trị đơn hàng cho đối tác thứ 3. Để kinh doanh có lợi nhuận, hoặc anh chị phải thúc đẩy số lượng đơn hàng nhiều hơn, hoặc định giá mình ở phân khúc cao để có thể có lợi nhuận.
Tuy nhiên theo quy định của các hãng này, chủ quán cần đảm bảo giá bán không có sự chênh lệch để tránh gây hiểu lầm cho khách hàng khi họ thấy sự chênh lệch giữa mức giá tại quán và mức giá trên ứng dụng.
Hướng đi tự kinh doanh online có thể khiến chủ quán gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng ban đầu nhưng lại giúp mang về doanh thu và lợi nhuận lâu bền về sau.
b. Cách thức triển khai
Cách làm của một số mô hình hiện tại là chuyển dịch dần từ ứng dụng sang website đặt hàng của riêng họ.
Trong quá trình đóng gói, anh chị gửi kèm tờ rơi có kèm QR code link đặt hàng, hotline, fanpage của quán kèm thông tin ưu đãi dành riêng cho khách hàng đặt trực tiếp trên link để kéo khách về trang đặt hàng dần dần.
Nhiều chủ quán lo ngai, chi phí vận hành hệ thống website, quản trị fanpage Facebook và Zalo có tốn kém không?
Anh chị có thể tham khảo các đơn vị cung cấp website chuyên biệt cũng có thể tận dụng chính phần mềm quản lý mà mình đang sử dụng. Cũng bởi lý do đó, MISA CukCuk tặng mới website bán hàng để anh chị có thể chủ động trong việc bán đồ ăn online.
Với giao diện chuyên nghiệp, hình thức bắt mắt, thân thiện, dễ dàng cập nhật giá bán, khuyến mãi, chủ quán không rành về công nghệ cũng hoàn toàn có thể thực hiện thao tác nhấp chọn, kéo thả đơn giản mà vô cùng nhanh chóng để có được một website “xịn”.
Anh chị quan tâm về website bán hàng online có thể tham khảo thêm cách thức khách hàng của MISA CukCuk đang triển khai trang bán hàng online vô cùng hiệu quả.
7. Bán đồ ăn online cần chuẩn bị những gì?
7.1. Chất lượng, hình ảnh, bao gói sản phẩm
Điểm chạm đầu tiên khi khách hàng gọi món online chính là hình ảnh. Khi thưởng thức tại quán, anh chị có thể thu hút thực khách thông qua hương vị, trình bày của món ăn. Với những khách hàng “trực tuyến”, hình ảnh bắt mắt là yếu tố gây ấn tượng.
Để kinh doanh đồ ăn online bài bản, chủ quán đừng xem nhẹ việc chụp ảnh món ăn ngon. Thay vì sử dụng hình ảnh có sẵn trên mạng, hoặc chụp hình qua loa, chủ quán cần xác định bày trí món ăn với bao gói chuẩn, đầy đủ, trông ngon miệng.
Quán cần có sự đồng bộ trong hệ thống các hình ảnh cập nhật lên hoặc chia theo nhóm. Điều này giúp đảm bảo tính nhất quán. Đồng thời, chúng cũng giúp quán của anh chị có giao diện đẹp hơn khi hiển thị trên các nền tảng gọi món trực tuyến hoặc trên website bán hàng của chính mình.
7.2. Tính phí ship ra sao?
Bạn có thể lựa chọn: Freeship (miễn phí giao hàng), tính phí ship theo khoảng cách, tiết kiệm phí ship với các đơn vị chuyên giao vận.
a. Freeship
Việc áp dụng Freeship là cách để quán truyền thông vô cùng hiệu quả. Khách hàng cũng từ đó đặt đơn nhiều hơn. Tuy nhiên về phía nhà hàng, anh chị cũng cần xác định rõ, tình hình kinh doanh của mình có đủ để thực hiện thêm phụ phí này cho khách hàng hay không.
Bởi vậy, để có thể trọn vẹn cả khách hàng mà lợi nhuận vẫn được duy trì, anh chị có thể áp dụng miễn phí giao hàng đối với những đơn hàng có giá trị lớn hoặc những đơn hàng nằm trong phạm vi mua hàng.
b. Tính phí giao hàng
Khi tính phí giao hàng cho thực khách, anh chị cần thực sự linh hoạt và đề xuất mức phí hợp lý.
Anh chị có thể cân nhắc việc ghép đơn để giảm phí vận chuyển cho khách. Đối với đặc thù những mô hình cần giao hàng đúng giờ thì việc chọn lựa ghép đơn sẽ không hiệu quả.
Với những nhóm khách hàng quen, anh chị cũng có thể giảm tiền giao hàng giúp giữ chân họ ủng hộ quán lâu hơn.
c. Yếu tố nhân sự
- Đảm bảo sắp xếp đội ngũ nhân sự vận hành trơn tru phối hợp giữa quản lý, giao nhận đơn
- Cập nhật tình trạng còn/hết món kịp thời để khách hàng trải nghiệm không bị gián đoạn
- Hạn chế tối đa việc bỏ sót đơn của khách
- Khách đặt trước chế biến trước
- Nhân viên kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng, thời gian giao, ghi chú về món nếu có
Tận dụng phần mềm quản lý để giúp hệ thống hoạt động liền mạch. Trạng thái của đơn hàng được cập nhật theo thứ tự, chi tiết cả thời gian và ghi chú. Đồng bộ hoá với màn hình của thu ngân để nhận thanh toán.
Chủ quán có thể trực tiếp tổng kết doanh thu từ việc giao hàng của từng kênh. Từ đó, anh chị sẽ đánh giá được hiệu quả của việc kinh doanh online của mình.
d. Hoạt động Marketing triển khai ra sao?
Đây là câu hỏi của rất nhiều anh chị chủ quán quan tâm. Làm thế nào để quán của tôi có thể có nhiều đơn hơn trên các ứng dụng giao hàng? Làm thế nào để thu hút khách hàng đặt món trên website…
Các kênh triển khai chính
Marketing trên các ứng dụng giao hàng: Các đối tác giao hàng như GrabFood, Shopee Food (Now), Baemin… thường có các chương trình dành cho quán ưa thích. Nhân viên sẽ liên hệ tư vấn gói quảng cáo cho chủ quán. Những quảng cáo này hiển thị tại các vị trí nổi bật, dễ tìm kiếm khi khách hàng vào ứng dụng.
>>> Anh chị có thể tham khảo thêm bài viết: Làm thế nào để bán đắt hàng trên GrabFood?
Marketing trên những kênh của quán: Đảm bảo thông tin trên Internet về nhà hàng của bạn phải được nhất quán trên tất các kênh từ Facebook, Zalo, Instagram.
Khách hàng có thể đặt hàng thông qua những cách nào?
- Gọi điện thoại
- Nhắn tin trên Zalo, Facebook
- Đặt hàng trên website
Khi hệ thống càng nhiều kênh, càng nhiều đầu mối, việc quản lý sẽ trở nên phức tạp hơn. Điều này sẽ làm phát sinh tình trạng rối đơn. Bởi vậy tập trung khách hàng đăng ký qua 1 nguồn duy nhất là website đặt hàng.
Vậy triển khai marketing như thế nào?
Chủ quán có thể thu hút khách hàng thông qua những hoạt động tương tác minigame, voucher giảm giá. Khách hàng tham dự, trúng thưởng, nhập mã và được giảm giá đơn hàng của mình.
Song song với hoạt động quảng cáo về thực đơn, ưu đãi… trên các trang mạng xã hội, anh chị có thể tạo những chủ đề thảo luận. Nhóm chủ đề này có thể chia sẻ bí kíp nấu ăn để giữ tương tác với thực khách.
Bên cạnh đó, anh chị có thể tham gia những cộng đồng, hội nhóm review ẩm thực, các food reviewer.
Hình thức này sẽ giúp quán có được lượng khách hàng dựa trên cộng đồng yêu ẩm thực. Sau khi tham khảo từ những hội nhóm trước, thực khách biết đến và dùng bữa tại quán của anh chị.
8. Tạm kết
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, anh chị chủ quán đã có thể nắm bắt được những lưu ý cần thiết khi bắt đầu triển khai bán đồ ăn online. Chúc anh chị kinh doanh thành công!